chuyên gia ở đây đều làm việc theo chế độ «đơn đặt hàng», và áp dụng
hình thức «tư duy chuyên nghiệp». Tập đoàn cố vấn của Giôn-xơn cũng
làm việc theo những cách thức đó dưới sự điều khiển trực tiếp của một
nhân vật có cái biệt danh là Giôn Đao như đã có lần ta nhắc ở phần trên.
Khách quan mà nói, thì tập đoàn cố vấn này là một khối chuyên gia lớn,
có trình độ chuyên môn vào loại cao nhất nước Mỹ. Nó có năng lực nghiên
cứu và giải đáp một khối lượng khổng lồ những vấn đề hiểm hóc nhất của
thời đại (tất nhiên là theo cách của Mỹ): từ việc to như thảo ra các chiến
lược của Mỹ, xây dựng đề án tiến hành chiến tranh thế giới trong tương lai,
hoàn thiện thuyết định mệnh ở Châu Á, v.v.. đến những việc nhỏ như
nghiên cứu chế độ nhà thổ áp dụng cho các phi công Mỹ đang làm nhiệm
vụ chiến đấu ở chiến trường Bắc Việt Nam, lập một số tiêu bản những loại
cây có giá trị dinh dưỡng đối với cơ thể ở trong rừng Việt Nam, hoặc
nghiên cứu cách hành văn và sử dụng từ ngữ in trên lá cờ dùng để xin ăn và
nhờ cứu giúp dùng cho các phi công Mỹ chẳng may bị bắn rơi ở Bắc Việt
Nam v.v... Nói gọn lại là thượng vàng hạ cám, không một điều gì đáng chú
ý mà lại có thể lọt qua cặp mắt ranh mãnh và bộ óc uyên bác của tập đoàn
cố vấn đó được.
Thoạt đầu, khi mới thành lập, tập đoàn cố vấn của Giôn-xơn được phân
ra làm ba trung tâm nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc tiến hành ba mục
tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh đối với Bắc Việt Nam. Những trung
tâm này mang những cái tên rất kỳ quái:
«Phòng nghiên cứu bệnh lý thần kinh chiến lược» (bí số là phòng 1) làm
nhiệm vụ đề ra những biện pháp và thu thập phân tích những hiệu quả của
chiến tranh đối với đường lối chính trị của cơ quan lãnh đạo Bắc Việt Nam.
«Phòng nghiên cứu chứng hoại thư toàn thể» (bí số là phòng 2) làm
nhiệm vụ tìm ra những cách đánh nhằm thủ tiêu có hệ thống mọi cơ sở vật
chất của chủ nghĩa xã hội ở Bắc Việt Nam, đẩy xứ này lùi lại trình độ xấp
xỉ với thời kỳ trung cổ.