tư lệnh sau đó đã được đồng chí nói rõ hơn. Và lời căn dặn trước lúc lên xe
càng thôi thúc chính ủy phải cố làm cho cái «sẽ có» ấy nhanh chóng trở
thành hiện thục.
«Địch phá, ta sửa ta đi,
Địch lại phá, ta lại sửa ta đi
Tiến tới: địch phá, ta cứ đi»
Khẩu hiệu đó có lẽ không một cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải nào
không thuộc lòng, nhưng trong cuộc họp vừa rồi, trước một tình hình hết
sức khó khăn như vậy, khi nghe đồng chí tư lệnh nhắc lại với tất cả sự kiên
quyết từng trải của mình chính ủy chợt nhận ra những ý nghĩa mới của nó.
Khẩu hiệu đó không những thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân ta quyết đánh
thắng giặc Mỹ xâm lược, mà nó còn là một danh ngôn tập thể hoàn toàn có
thể xếp ngang hàng với những danh ngôn của các anh hùng chân chính
trong lịch sử. Cứ mỗi lần gặp lại, mái tóc bạc của tư lệnh hình như lại trắng
thêm một ít. Chính ủy đã ứa nước mắt khi nghe đồng chí nói: cả Trung
ương, cả Bác cũng hàng ngày, hàng giờ theo dõi công việc của chúng ta
đây; cuộc chiến đấu ở đây là biểu hiện rõ nhất, đầy đủ và tập trung nhất
tình cảm của miền Bắc đối với miền Nam, của đảng viên đối với Đảng, của
đoàn viên đối với Đoàn; đồng thời cũng biểu hiện đầy đủ và tập trung cao
độ lòng căm thù của dân tộc ta đối với đế quốc Mỹ...
«Hãy làm đi, đừng bàn bạc quá nhiều, nhưng phải biết bắt đầu công việc
của mình từ chỗ nào - Tư lệnh đã ân cần nói với các cán bộ như vậy - Muốn
mở đường trên lãnh thổ của Tổ quốc, trước tiên phải mở đường ở trong ý
chí của dân tộc, ở trong ý chí của mỗi người. Một khi dân tộc ta đã quyết
tâm «xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước» thì dân tộc ta sẽ sản sinh ra những
người có đủ ý chí và sức mạnh để làm việc đó và sẽ làm được việc đó». Và
tư lệnh đã nhìn thẳng vào chính ủy, hỏi: «Ở đây, ai là người có khả năng
tìm được cách mở đường vượt qua Cô-Tan? Vượt qua chứ không phải là
tránh, vì đoạn đường tránh ở đây cũng không có gì chắc chắn hơn, không
nên đặt nhiều hy vọng vào nó mà chỉ nên coi là biện pháp cấp cứu tạm thời,