THƯỢNG ĐẾ, THIÊN NHIÊN, NGƯỜI, TÔI VÀ TA - Trang 100

Có điều là trong lịch sử Trung Quốc, tư tưởng của phái pháp gia chẳng bao
giờ chiếm được ưu thế lâu dài. Tôi đã nói: không phải pháp gia dở đâu. Họ
có nhiều điểm tích cực lắm. Họ đả phá tư tưởng tùy tiện. Họ đả phá khuynh
hướng rập theo khuôn sáo. Ðó là hai tệ hại lớn của Trung Hoa. Tùy tiện đưa
đến độc tài. Khuôn sáo tạo ra bảo thủ, cổ hủ. Trật tự xây dựng trên một thứ
luật không thiên lệch và tách biệt ra khỏi người, là một trật tự đúng đắn, vững
chắc.

Thế nhưng tại sao tư tưởng của họ không bám rễ được? Muốn trả lời câu hỏi
này, hình như chỉ cần hỏi một người dân bình thường Trung Hoa, Nhật Bản
hoặc Việt Nam: ai có lý? Khổng tử hay Hàn Phi? Có lẽ ai cũng thấy xã hội
cần luật. Nhưng hình như văn minh Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam không
duy lý như văn minh Âu châu. Hình như đạo đức vẫn là đòi hỏi từ trong tâm
khảm. Hình như tính xuề xòa vẫn là khuyết tật cố hữu: chín bỏ làm mười.
Hình như đức tính khoan hòa, độ lượng, trung dung vẫn là lý tưởng trong
cách xử thế của con người.

Mà cũng lạ: các tay pháp gia đầu não đều bị chết bi đát. Thương Ưởng (đời
Tần) bị xé xác sau khi vua mất, vì đã dám buộc đông cung thái tử phải tôn
trọng luật pháp. Hàn Phi được Tần Thủy Hoàng mời vào nghỉ mát trong nhà
ngục rồi được ban cho ân huệ cuối cùng: quyền được tự tử. Lý Tư hại bạn,
rồi cũng bị chết không khác bạn.

Ưu điểm của pháp gia là biết vai trò quan trọng của luật. Nhược điểm là họ đi
quá lố. Họ cho rằng con người hành động theo hai nguyên nhân chính: sợ và
lợi. Sợ, cho nên phải biết phạt. Ham lợi, cho nên phải biết thưởng. Họ không
nghĩ rằng, sợ cũng có giới hạn mà ham lợi cũng có giới hạn, và khi con người
đã bị phi nhân hóa thì chẳng còn ai cảm thấy yên ổn nữa. Phái pháp gia chỉ
biết dùng bạo lực mà thôi, quên rằng con người còn biết công bằng, danh dự,
nhân ái.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.