vào Đà Nẵng để tìm cho được chàng quán quân bơi lội! Một người cai trị
bình thường, nhưng cai trị với luật, vẫn đạt kết quả tốt. Rót nước mắm vào
chai mà dùng cái phễu thì ai rót cũng được. Cái phễu, đó là luật, là dụng cụ,
chứ không phải người.
Mạnh Tử nhận xét: người ta vươn đến thiện như nước chảy vào chỗ thấp.
Thương Ưởng nói ngược: người ta vươn đến lợi ích riêng (ích kỷ) như nước
chảy vào chỗ thấp.
Hàn Phi Tử bình chú câu chuyện sau đây: Quan tể tướng uống rượu hơi
nhiều, say, ngủ vùi. Người giữ mũ của quan sợ quan lạnh, lấy áo trùm cho
quan. Tỉnh ngủ và tỉnh rượu, quan thức dậy khoan khoái. Khoan khoái một
hồi, chợt quan hỏi tả hữu: "Ai trùm áo cho ta vậy?" - "Dạ, quan giữ mũ".
Quan gọi người giữ mũ và người giữ áo lại, phạt cả hai: người giữ áo vì sơ
suất, người giữ mũ vì vượt quá quyền hạn của mình.
Hàn Phi Tử bình chú: chẳng phải là quan không biết rằng quan ngủ lạnh như
vậy thì có thể trúng gió; chỉ vì quan quan niệm rằng thi hành bổn phận không
phân minh là có hại hơn là trúng gió.
Khổng Tử bảo: "Nếu đức và nhạc không được vun trồng, hình luật sẽ không
thấy được chỗ trung dung, và [...] người ta sẽ không biết đặt chân đặt tay vào
chỗ nào".
Lại một chuyện khác. Thời nhà Chu, có người cha ăn trộm cừu. Ra trước
công đình, quan hỏi người con, con khai tội cha. Quan kết án, chém người
con vì bất hiếu. Khổng Tử tán thành. Hàn Phi Tử kết án ông quan. Khổng Tử
cũng khen ngợi một người con đã đào ngũ hai lần vì có cha già phải phụng
dưỡng.
Nói tóm lại: một bên cậy trên người tốt, một bên cậy trên luật hữu hiệu. Theo
phái pháp gia, dựa trên yếu tố người là bấp bênh, không vững chắc, lại dễ
đưa đến hệ quả là trao cho nhà cầm quyền một uy quyền độc đoán.