viện cớ lầm lẫn về nhân cách của chàng hoặc nàng (bằng cấp, gia tài...) để
xin hủy bỏ giá thú. Phương châm của luật về chuyện này là: "trong lĩnh vực
hôn nhân, tha hồ lừa dối".
Thứ hai, luật và luân lý khác nhau về khen chê. Luật chỉ xét hành động ở bề
ngoài, luân lý xen vào bên trong, trong tim. Có lòng tham là xấu, là có tội.
Ðối với luật thì phải có hành động ăn cắp, ăn trộm mới có tội.
Thứ ba, do đó, cách chế tài, trừng trị, khác nhau. Trừng phạt của luân lý nằm
ở bên trong, trong lương tâm; chế tài của luật là việc của cơ quan tài phán.
Ðối với luật, không ai được vừa là quan tòa, vừa là phạm nhân. Ðối với luân
lý, mỗi người là quan tòa của chính mình.
Phân biệt như thế xem ra giản dị. Cũng không giản dị đâu! Hai bên xâm nhập
lẫn nhau!
Trước hết, nhiều luật bắt nguồn từ luân lý. Ví dụ: cấp dưỡng cha mẹ. Hoặc
cấp dưỡng giữa hai vợ chồng ly hôn: ở đây, nguyên tắc công bằng được áp
dụng. Trong Platon và từ Platon, giấc mơ luân lý hóa xã hội bằng luật vẫn ám
ảnh trong đầu óc của nhiều chính thể.
Thứ hai, về chế tài, nhiều khi luân lý can thiệp rất hiệu nghiệm. Người ta
không làm điều này điều nọ vì sợ chê bai, dù chê bai thầm lặng.
Thứ ba, luân lý đi vào luật nghề nghiệp. Ví dụ: rõ rệt nhất là trong ngành y.
Bởi vậy, hai ý kiến tranh luận với nhau từ lâu. Theo ý kiến thứ nhất, phải tách
luân lý ra khỏi luật một cách mạch lạc. Theo ý thứ hai, luật phải được luân lý
thường xuyên tưới nước như tưới cây. Tôi sẽ trình bày vấn đề này trong bài
cuối.
III - LUẬT VÀ TÔN GIÁO
Hai bên liên quan với nhau rất chặt chẽ.
Trước hết, có những luật tôn giáo: luật cổ của La Mã, luật Do Thái, luật Hồi
giáo, luật Ấn Ðộ giáo, luật Giáo hội (Ki-tô), giới luật Phật giáo...
Thứ hai, có những luật đã tách ra khỏi tôn giáo nhưng vẫn mang ảnh hưởng
của tôn giáo nặng nề, như luật của Pháp trước Cách mạng 1789, hay ngày
nay luật của các nước A Rập, luật của Do Thái. Phân biệt luật và các điều răn