giao hoán (justice commutative). Khái niệm này có tính cách số học: trao cho
mỗi người một phần bằng nhau. Luật của Pháp, bắt nguồn từ nguyên tắc bình
đẳng của Cách mạng 1789, trọng công bằng dưới khái niệm này. Nói một
cách khác, chẳng cần để ý người phạm pháp là nghèo, nạn nhân là giàu, tất cả
đều bình đẳng trước luật pháp. Thứ hai là công bằng phân phối (justice
distributive) nghĩa là có điều chỉnh, có đưa vào một vài phân biệt đối xử cân
bằng, điều chỉnh trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau: nguồn gốc gia đình, nhu
cầu xã hội, nhiệm vụ xã hội... Khuynh hướng hiện tại là nâng đỡ những phân
biệt đối xử tích cực để bù trừ cho những bất bình đẳng trên thực tế bằng cách
chấp nhận đặc ân có lợi cho những người yếu thế. Ðó là chính sách
affirmative actions áp dụng ở Mỹ với mục đích, chẳng hạn, nâng đỡ những
sinh viên thuộc những dân tộc thiểu số vào học một số ngành hoặc trường đại
học. Pháp rất lạc hậu về chuyện này, nhưng cũng bắt đầu theo trào lưu, ví dụ:
định trước bao nhiêu phần trăm số phụ nữ sẽ được bầu vào những chức vụ có
bầu cử.
Thêm một chuyện khó khác: công bằng cho đến mức nào? Ðây là vấn đề đối
chọi giữa công bằng và trật tự. Người ta thường trích một câu cho là của
Goethe: nếu phải chọn giữa hỗn loạn và bất công, tôi chọn bất công. Câu nói
có tính cách tổng quát quá, khó phê phán. Hỗn loạn như thế nào, bất công
đến đâu? Nhiều khi luật chọn giải pháp trật tự, như những ví dụ tôi đã trích ở
trên: vật ăn trộm trên 30 năm trở thành sở hữu; trong hôn nhân tha hồ lừa dối.
Vi phạm cũng vậy, quá một thời gian nào đó thì được xóa: 10 năm đối với tội
đại hình, 3 năm đối với tội tiểu hình, 1 năm đối với tội vi cảnh (luật của
Pháp). Quyền đình công được công nhận ở Pháp, nhưng luật hành chánh
Pháp cũng công nhận quyền trục xuất người đình công ra công xưởng.
Tóm lại, khó định nghĩa công bằng trong mỗi việc, khó dung hòa công bằng
với trật tự. Tuy vậy, vẫn không ai thỏa mãn với định nghĩa luật như là những
nguyên tắc: luật không phải chỉ là thế.
Tôi kể một chuyện đời xưa của Việt Nam để thấy rằng ta cũng nghĩ tương tự.
Trong đầu của ta, ta có một ý niệm về luật cao hơn những nguyên tắc đã
định, có thể là ý niệm về công bằng. Chuyện sau đây, tôi trích nguyên văn
trong quyển Kho tàng truyện cổ Việt Nam của ông Nguyễn Ðổng Chi: