Cao Huy Thuần
Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi & Ta
BÀI THỨ NHẤT (B)
GIỚI LUẬT LÀ GÌ?
Bây giờ tôi dùng những khái niệm luật của Tây phương để thử tìm hiểu khái
niệm về giới luật của Phật giáo. Tôi bắt đầu với hai tiểu tiết trước khi đi vào
vấn đề chính này.
1 - Tiểu tiết thứ nhất, cốt để so sánh, liên quan đến khái niệm équité mà tôi
đã tạm dịch là công bằng. Trong giới luật Phật giáo, khái niệm này được áp
dụng rất rõ. Một ví dụ: cùng phạm tội Tăng tàn, tội được xử khác nhau tùy
theo đức hạnh của người phạm tội. Có sáu hạng người được xử châm chước:
người thông hiểu kinh tạng, người thông hiểu luật tạng, người thông hiểu
luận tạng, người có tính biết hổ thẹn, hạng thượng tọa trưởng lão, người đại
phước đức. Ðây là ý nghĩa của phẩm Hạt Muối mà Hòa thượng Thiện Siêu,
Thượng tọa Chơn Thiện đã giải thích rõ trong sách của các vị: Bỏ một nắm
muối vào chén nước, nước mặn uống không được. Bỏ một nắm muối vào
chum nước, nước vẫn uống được như thường. Nước trong chén ít như đức
thiện của một người; nếu người đó làm thêm một việc bất thiện nữa nào có
khác gì bỏ muối vào chén, uống sao được! Trái lại, nếu đức thiện nhiều như
chum nước, lỡ làm một việc ác, nước vẫn chưa mặn. (Xem Cương yếu giới
luật, H.T Thích Thiện Siêu, tr. 87-88).
2 - Tiểu tiết thứ hai, liên quan đến các xã hội không có luật. Ngành nhân
chủng pháp lý cho ta biết rằng các xã hội sơ khai, sống trong các tộc
(ethnies), có thể không biết luật. Ý muốn chung sống được thể hiện bằng
những phản ứng rất loãng, thiếu tổ chức của quần chúng. Phong tục có thể
nảy sinh nhưng không rõ rệt. Từ đó, một vài nguyên tắc, ít nhiều mơ hồ, có
thể manh nha. Cũng từ đó, tôn giáo phát triển, rồi thói quen, nếp sống, rồi có
thể luật. Nói như thế này chắc là mơ hồ quá. Nhưng ấy là muốn nói rằng,
quan hệ với thần linh, những cử chỉ hằng ngày, y phục, trang sức, trang trí,