Bây giờ bước từ lĩnh vực học thuyết qua lĩnh vực áp dụng, tôi sẽ nói về điểm
2: luật Giáo hội.
2 - Luật của Giáo hội.
Ki-tô giáo phát sinh từ cộng đồng Do Thái sống trên mảnh đất Cận Ðông đã
chịu ảnh hưởng văn minh Hy Lạp. Lúc đầu, như ta đã thấy, luật không phải là
quan tâm chính. Nhưng rất nhanh, cộng đồng tôn giáo đó thấy rõ nhu cầu.
Thế là bắt đầu tạo ra luật và luật đó phát triển rất nhanh. Ðến thế kỷ thứ 4,
luật của Nhà thờ bắt đầu cạnh tranh với luật của Nhà nước trên nhiều địa hạt.
Song song với sự bành trướng của tôn giáo mới, dựa trên sự bành trướng của
đế chế La Mã, luật của Nhà thờ phát triển rộng ra khắp nơi từ thế kỷ thứ 6
đến thế kỷ thứ 10, từ sa mạc Arabie đến Irlande, từ Tây Ban Nha đến các
nước slaves. Tôi nói sơ lược về hai điểm khai sinh và phát triển đó
a – Khai sinh: Những văn bản trong Tân Ước không có tính cách luật. Kể gì?
Cuộc đời của Giê-su, lời dạy của Giê-su. Không có "làm luật" giống như ở
Sinai. Thật ra, không hẳn là chối bỏ việc làm luật, mà là sửa đổi. "Ta không
đến để hủy bỏ luật, mà để làm tròn luật". Sự đối chọi giữa Cựu Ước và Tân
Ước chỉ bắt đầu với lý thuyết gia Tertullien (khoảng 155-222) trong bối cảnh
tách biệt giữa dân Do Thái và dân Ki-tô.
Không phải những người Ki-tô đầu tiên không biết luật đâu. Làm gì có một
cộng đồng muốn trật tự và kết hợp chặt chẽ mà bỏ qua luật! Chỉ vì những
người Ki-tô đầu tiên là dân Do Thái, trước hết là Do Thái, trung thành với
luật Do Thái. Vấn đề gì mà luật Do Thái không nói đến thì tín đồ Ki-tô tuân
theo luật của Nhà nước. Dần dần họ mạnh lên, những điểm bất đồng trở nên
càng ngày càng nhiều và càng quan trọng giữa luật Do Thái và luật Nhà
nước. Rồi dần dần sự sùng bái Ki-tô nảy nở, dân Ki-tô Do Thái từ bỏ những
luật lệ, lễ nghi của Do Thái. Dân Ki-tô và dân Do Thái tách nhau ra từ đấy.
Ðến năm 49, dân "ngoại đạo" được nhận vào cộng đồng Ki-tô.
Từ Cận Ðông, tôn giáo mới đó lan ra khắp nơi. Trước hết là La Mã, rồi Ý, rồi
nhiều thành phố khác ở Cận Ðông và Âu châu. Ra khỏi khung cảnh Do Thái,
với số "ngoại đạo" càng ngày càng đông, những cộng đồng Ki-tô cần phải
được tổ chức. Họ lấy mẫu mực chính trị của các thành phố: chính quyền, hội