hợp có thể xảy ra. Hoặc là luật thành văn của con người phản ánh luật thần
linh đó, và như vậy Nhà nước của con người là hình ảnh trung thực của ý
muốn của Zeus. Hoặc là luật thành văn không phản ánh được luật của Zeus,
yếu đuối, lung lay, thất thường như chính con người, và như vậy, luật đó trái
với tính bất di bất dịch, trái với tính hoàn hảo của luật thần linh. Ðây là đầu
đuôi của câu chuyện Antigone trong vở kịch của Sophocle:
Vua Créon giết anh của cô Antigone và cấm không được chôn xác. Bất chấp
lệnh vua, Antigone chôn xác anh. Cô nói trước mặt vua: "Tôi bất tuân luật
của nhà vua, bởi vì luật đó không do Zeus ban bố; đó không phải là công lý...
Đó không phải là luật của các thần linh đặt ra cho người, và tôi không nghĩ
rằng lệnh của nhà vua đủ sức mạnh để cho phép một người như vua bất chấp
những luật khác, những luật không viết ra, bất di bất chuyển của thần linh.
những luật đó không phải mới đặt ra ngày hôm nay hoặc ngày hôm qua, mà
cũng chẳng ai biết được đã có sẵn từ thuở nào".
Aristote cũng khẳng định như vậy: "Cái gì thiên nhiên là không thay đổi, dù
bất cứ ở đâu cũng có cũng một hậu quả như nhau: lửa cháy giống nhau ở
Athènes cũng như ở BaTư ". Khẳng định đó lập tức vấp ngay một vấn nạn:
nếu quả thật như vậy thì tại sao luật lại thay đổi từ nơi này đến nơi khác, từ
thời này qua thời kia? Luật thay đổi như vậy, thì hoặc là luật tự nhiên không
có, hoặc là luật tự nhiên cũng thay đổi. Aristote thấy vấn nạn đó. Cho nên
ông nói thêm: "mặc dù nơi thần linh, có thể không có gì thay đổi, nơi những
con người như chúng ta, có những sự việc hàm chứa một phần của thiên
nhiên dù cho toàn thể là thay đổi. Tuy vậy vẫn có một phần thiên nhiên và
một phần không thiên nhiên".
Câu nói hơi khó hiểu, nên đã đưa đến hai giải thích khác nhau về quan điểm
của Aristote: một cho rằng như vậy là Aristote vẫn thừa nhận tính chất bất
biến và phổ quát của luật tự nhiên, một cho rằng như vậy là Aristote có nhận
rằng luật tự nhiên cũng thay đổi.
Tôi không đi sâu vào tranh luận hào hứng này, chỉ đưa ra một ví dụ và một
lối giải thích chiết trung.
Một ví dụ: Ai cũng có hai chân, đó là thiên nhiên; nhưng tùy hoàn cảnh, có
nơi đàn bà mặc quần, có nơi mặc váy, có nơi mặc cả váy lẫn quần, có nơi