Tóm lại, trong tư tưởng cổ Hy Lạp về luật, có một sự phân biệt căn bản giữa
hai trật tự luật pháp. Một mặt, một luật cao hơn, thần linh hay thiên nhiên, in
sẵn nơi ý thức của mỗi người, không cần viết ra chữ; luật đó phổ quát và siêu
thời gian. Một mặt, những luật của người, đa dạng, thay đổi tùy theo hoàn
cảnh, chính trị, điều kiện xã hội.
Hy Lạp khai mào cho một tranh luận kéo dài cho đến ngày nay mà chẳng có
học thuyết nào được mọi người thừa nhận.
St. Thomas (1226 – 1274) nắm bắt được tư tưởng về thiên nhiên từ Aristote.
Như tôi đã nói ở trên, tư tưởng cổ Hy Lạp bị vùi lấp dưới tro từ khi tư tưởng
của nhà thờ ngự trị khắp Âu châu. Ðến thời Trung cổ, vào khoảng thế kỷ 13,
tác phẩm của Aristote được khám phá ra nhờ những bản dịch chuyển đến từ
Tây Ban Nha, từ Ý. Gia tài cổ Hy Lạp rơi vào tay các học giả kinh viện của
nhà thờ. Với tài ba đặc biệt, các vị này biện luận rằng: văn hoá cổ đại là bước
chuẩn bị cho việc truyền giảng Thánh kinh, các nhà hiền triết của cổ Hy Lạp
đã đóng vai trò đưa dân ngoại đạo vào đạo Ki Tô giống như các nhà tiên tri
Do Thái đã đem đạo này đến với dân Do Thái. Trong ý nghĩa đó, tác phẩm
của Aristote là một thứ bài tựa cho Toàn thư thần học (Somme théologique)
của St. Thomas. St. Thomas vừa làm công việc sưu tập, vừa làm công việc
tổng hợp: tổng hợp giữa văn hóa Hy Lạp, La Tinh và văn hóa Ki Tô. Với St.
Thomas và các nhà kinh viện ở thế kỷ 13, Ki Tô giáo, tuy gốc vẫn là Do
Thái, trở thành văn minh Hy Lạp - La Tinh - Ki Tô.
Ðể hiểu quan niệm của St. Thomas về luật tự nhiên, phải bắt đầu ở chỗ bắt
đầu, nghĩa là ở lý thuyết Ki Tô về vũ trụ và con người, ở mặc khải và ân huệ
của Chúa. Trên điểm bắt đầu này, Ki Tô giáo cắt đứt với tư tưởng Hy Lạp:
Hy Lạp quan niệm Thượng đế như Thượng đế - tổ chức (Dieu -
organisateur), Ki Tô giáo quan niệm Thuợng đế như Thượng đế - sáng tạo
(Dieu créateur). Thượng đế sáng tạo ra trời đất, vũ trụ; trật tự trong vũ trụ,
trật tự trong xã hội loài người đều do ở ý muốn của Thượng đế tất cả - nghĩa
là đều do ở lý trí của Thượng đế. Hơn nữa, giáo điều tội lỗi tổ tông và sự việc
con người đánh mất mình cũng đồng thời làm biến đổi khái niệm về thiên
nhiên trong Ki Tô giáo. Bản chất thiên nhiên bị làm hỏng vì tội lỗi tổ tông;