THƯỢNG ĐẾ, THIÊN NHIÊN, NGƯỜI, TÔI VÀ TA - Trang 49

chẳng cần quần cần váy gì cả, có nơi như ở Scotland, đàn ông lại sính váy, đó
là những chuyện không thiên nhiên. Nhưng quan sát những chuyện không
thiên nhiên đó, nghĩa là khác nhau đó, vẫn có thể rút ra một nguyên lý thiên
nhiên chỉ đạo.
Ðó là một ví dụ cho vui, để đưa đến giải thích như thế này: trật tự tự nhiên
của sự vật là bất biến và phổ quát, nhưng sự vật thì thay đổi. Lửa cháy giống
nhau ở Hy Lạp và ở Ba Tư, nhưng phong tục, tương quan xã hội, tổ chức
chính trị ở hai nơi đó khác nhau. Sự vật vốn thay đổi cho nên nói "bản chất tự
nhiên của sự vật" là nói: bản chất tự nhiên của sự vật thay đổi. Luật của các
Nhà nước đều phải phù hợp với luật tự nhiên, nhưng vì điều kiện của mỗi
Nhà nước khác nhau, nên không phải luật nào cũng giống nhau tuy có thể
phù hợp với luật tự nhiên. Bởi vậy, nói như Aristote là nói rằng: trong một
luật công bằng, đúng đắn, có một phần là tự nhiên, một phần là công trình
của con người (một phần là tự nhiên, một phần là luật), hai phần không đối
nghịch nhau. Tại sao? Tại vì luật tự nhiên, khi được áp dụng ở một nơi nào,
cần phải được thích nghi hóa, cá biệt hóa để phù hợp với điều kiện của nơi
đó. Như vậy, nếu luật nơi này khác với luật nơi kia, điều đó không có nghĩa
rằng các luật đó không mang tính tự nhiên, mà có nghĩa rằng luật tự nhiên
tìm cách diễn dịch ra, chế biến ra thành luật của mỗi xã hội khác nhau. Nói
một cách khác, luật tự nhiên hiện diện một cách nội tại nơi luật của mỗi xã
hội. Hễ là luật tốt thì luật nơi nào cũng có một yếu tố chung là luật tự nhiên.
Những luật đó không phải là cứu cánh, mà là phương tiện, nhờ đó ý định của
thiên nhiên được cụ thể hóa. Như vậy, triết lý của Aristote rút tinh yếu của
luật ra từ bản chất của sự vật, nhưng trao cho đầu óc của con người nhiệm vụ
truy tầm nơi các sự vật (ví dụ các định chế chính trị đã được áp dụng trong
lịch sử) để tìm xem sự vật nào (định chế nào) phù hợp với cứu cánh của thiên
nhiên và dùng nó để làm mẫu mực.
Khác với Platon nhìn nguồn gốc của luật từ trên cao xa, ở ngoài con người,
vượt khỏi con người, trong quan niệm của Aristote, tuy luật tự nhiên ban giá
trị cho luật do người làm ra, nhưng thiên nhiên không nằm ở đâu khác hơn là
nơi chính sự vật: phải tìm nơi chính sự vật ý nghĩa và giá trị gốc nguồn của
luật tự nhiên .

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.