dần dà củng cố thành một thế lực chính trị. Hiện tượng này lan tràn khắp tất
cả Âu châu. Vào khoảng 1540, kỷ thuật máy in tân tiến với lối sắp chữ kim
loại làm biến đổi điều kiện trao đổi tư tưởng, những tranh luận về quyền của
mỗi giai cấp, về tự do của con người được phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Cách mạng tôn giáo: Tân giáo (Tin Lành) chủ trương nguyên tắc tự do của
nhà thờ đối với Nhà nước, cung cấp cơ sở lý thuyết cho phong trào nổi loạn
của các ông vua Tin Lành. Như ai cũng biết, cách mạng tân giáo này do
Martin Luther (1483-1546) khởi lên. Martin Luther là tu sĩ Ðức đứng lên
chống lại quan điểm lý trí mà phái kinh viện (scolastique) quan niệm như là
phương tiện để hiểu Thượng đế, đề nghị thay thế uy quyền của truyền thống
và của học thuyết nhà thờ bằng tự do của mỗi tín đồ đối diện trực tiếp với
Thượng đế.
Tất cả những sự kiện đó đưa đến một quan niệm mới về con người: Phục
Hưng mở ra một cách mạng tư tưởng. Trong thần học của thời Trung cổ,
Thượng đế và Thiên đường là mối quan tâm đặc biệt của con người; với thời
Phục Hưng, trái lại, con người, và bản tính của con người, được vinh danh.
Con người tuyên bố: cái gì hiện hữu bây giờ là chính, không phải cái gì nơi
cõi trường cữu. Luồng gió triết lý mới đó được thâu tóm vào một chữ mà thế
kỷ 19 sẽ đề cao như một vị thần: nhân bản chủ nghĩa. Với nhân bản chủ
nghĩa, siêu hình học của thời Trung cổ thối lui, tính người thay thế cho tính
thiêng liêng làm nguyên tắc chỉ đạo cho những khám phá khoa học và cho
việc tổ chức xã hội, chính trị. Phục Hưng, chính yếu là cách mạng tư tưởng.
Ý chí, tự do, lý trí: ba đề tài nở rộ trong triết học, mở đường cho sự xuất hiện
của ba ngôi sao sáng chói trong thời cận đại: Descartes, Spinoza, Leibniz.
Trong lĩnh vực triết lý luật, và đặc biệt trong triết lý luật tự nhiên, sự thay đổi
thấy rõ trên nhiều điểm.
Truớc hết, luật tự nhiên được thế tục hóa: luật tách biệt ra khỏi thần học
Thiên chúa giáo (catholique). Luật là do lý trí con người tạo ra, là sản phẩm
của tự do và ý chí con người.
Khái niệm "bản chất của sự vật" cũng thay đổi, bởi vì con người làm biến đổi
"thiên nhiên". Ðứng trước thiên nhiên, con người, bây giờ được thúc đẩy bởi
lý trí và ý chí tự do, tạo dựng lại thiên nhiên, biến thiên nhiên thành của cải