Cao Huy Thuần
Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi & Ta
BÀI THỨ TƯ
NGUỒN GỐC CỦA LUẬT
LUẬT ÐẾN TỪ CON NGƯỜI, TỪ CÁ NHÂN
Thượng đế bị uy hiếp, lý trí (raison) tấn công vào thành trì của mặc khải
(révélation). Chủ nghĩa duy lý (rationalisme) manh nha từ thế kỷ 16, lớn
mạnh giữa thế kỷ 17, đến thế kỷ 18 thành thế kỷ của Ánh Sáng, đưa thế kỷ
19 vào niềm tin tưởng mãnh liệt ở Tiến Bộ (Progrès) và ở khoa học. "Không
có cái gì hiện hữu mà không có lý do hiện hữu của nó, cho nên không có cái
gì hiện hữu mà lý trí con người không thể cắt nghĩa được": đó là chủ nghĩa
duy lý. Lý trí cắt nghĩa được tất cả, cho nên lòng tin hết đất sống; lòng tin
bốc hơi, thì Thượng đế cạn khô. Cùng với triết lý nói chung, tư tưởng về luật
rời chốn cao xanh thăm thẳm trên kia, bay xuống hạ giới, tìm quê quán
nguồn gốc của mình nơi chính con người.
Nhưng con người là gì? Nó sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng phải triết thuyết nào
cũng thấy nó như nhau. Con người, ông là ai? Tây phương có một câu trả lời
đặc biệt Tây phương; câu trả lời đó un đúc thành chủ thuyết gọi là cá nhân
chủ nghĩa. Ta hãy nói cá nhân chủ nghĩa trước, rồi mới hiểu được tư tưởng về
luật ở giai đoạn này sau.
I - CÁ NHÂN CHỦ NGHĨA.
Nói rằng triết lý tìm về con người không có nghĩa rằng triết lý xa rời ảnh
hưởng Ki-tô giáo. Vẫn chịu ảnh hưởng như thường, bởi vì ý niệm về con
người vẫn là ý niệm của Ki-tô giáo. Ki-tô giáo làm dậy men cá nhân chủ
nghĩa bởi vì vương quốc của Chúa (royaume des Cieux) nói trong Thánh
kinh là vương quốc của các cá nhân riêng biệt. Ðây là điểm khác biệt căn bản
đối với tư tưởng của Aristote. Aristote bắt đầu suy luận bằng cách quan sát
và nhìn thấy cá nhân chỉ có thể ở trong Nhà nước. Bản chất của con người là
ở trong Nhà nước, ở trong cộng đồng, không ra ngoài được. Vì vậy mà