người khác nữa, nhưng tôi không thể nói hết; tôi mượn từ "công dân" để diễn
tả trong cùng một lúc vô số những người đó. Như vậy, những từ tổng quát
chẳng có hiện hữu nào ngoài ý nghĩa trong đầu của tôi, chẳng có thực thể nào
ngoài cái giá trị dụng cụ. Ta không đòi hỏi nó hiện hữu, chỉ nhờ nó để lý luận
mà thôi. Occam nói: "Ta dùng chữ "một" một cách lờ mờ, không chính xác
để nói một vật gì đó, chẳng hạn như khi ta nói về một nước, một dân tộc, về
thế giới như là một".
Quan trọng lắm, bởi vì từ đó Occam cho rằng một cộng đồng chính trị không
có gì khác hơn là một tổng hợp những cá nhân. Một tòa thánh (Eglise) cũng
vậy, không phải là một "cơ sở thần bí" (corps mystique) mà là "vô số quần
chúng tín đồ đã hiện diện từ thời các ông Thánh tiên tri cho đến ngày nay".
Mục đích của Occam khi nói như vậy là để cấm các chức sắc của tòa thánh
lấy danh nghĩa tín đồ mà tuyên bố. Nhưng hậu quả chính trị rất lớn khi áp
dụng thuyết đó vào cộng đồng chính trị.
Tóm lại, đối với Occam, chỉ có cá nhân là hiện hữu; thế giới này là thế giới
của những cá nhân và những sự vật riêng lẻ; khoa học không phải được xây
dựng trên tầm nhìn bao quát những tổng thể (nóng, lạnh, cứng, mềm, khô,
ướt, tính buồn, tính nộ, thiện ác, công bằng... như trong Aristote) mà trên
những sự vật cá biệt; và khoa học xã hội thì được xây dựng từ trên những cá
nhân và chung quanh những cá nhân. Xã hội, Nhà nước, đoàn thể đều không
phải là tự nhiên, mà là những kiến trúc nhân tạo của cá nhân. Giữa Thượng
đế và cá nhân, không còn nữa những bình phong của trật tự xã hội tự nhiên.
Tư tưởng luật từ thế kỷ 17 chịu ảnh hưởng của chủ thuyết đó. Tôi chỉ kể ở
đây hai tác giả mà thôi là Hobbes là Locke. Cả hai đều khởi đi từ cá nhân, từ
tự do được xem như là điều kiện căn bản của cá nhân, của con người từ thuở
sống trong tình trạng ban sơ của nhân loại. Cái mà ngày nay người ta gọi là
nhân quyền phát xuất từ chủ thuyết đó.
II - TÌNH TRẠNG BAN SƠ VÀ NGUỒN GỐC CỦA LUẬT: HOBBES
VÀ LOCKE