cấm đoán điều gì. Nhưng tự do trong tình trạng bất an thường xuyên như thế
thì rốt cuộc chẳng được lợi lộc gì. Con người đi vào "tình trạng xã hội" là để
được lợi lộc hơn, lợi lộc thực sự. Lợi đó là được Nhà nước bảo đảm thực hiện
những quyền đã có sẵn trong tình trạng hoang sơ. Nhà nước và tất cả những
luật mà Nhà nước ban ra nhằm phục vụ những ý định của các người ký kết
hợp đồng.
Tôi muốn chấm dứt Hobbes ở đây, vì nói thêm nữa thì tế nhị lắm và e rằng sẽ
xa vấn đề nguồn gốc luật mà tôi đang nói. Nhưng tôi bắt buộc phải nói thêm
vài câu, cốt để hiểu hơn Locke mà tôi sắp nói.
Trong Hobbes, con người từ bỏ "tình trạng ban sơ" là vì sợ hãi, và chính sự
sợ hãi làm cho hợp đồng được hữu hiệu, chứ không phải sự thỏa thuận. Bởi
vậy, để thực hiện một hòa bình bền vững, kết thúc "tình trạng ban sơ", mọi
người trong xã hội đều từ bỏ tất cả quyền mà họ có và trao vào tay một sức
mạnh tối thượng. Ý tưởng này khiến Hobbes được xem như là lý thuyết gia
của chính sách độc tôn của Nhà nước. Tôi không bàn về điểm này, chỉ muốn
hạn chế vào vấn đề nguồn gốc của luật mà thôi.
Ba mươi năm sau Hobbes, một triết gia cũng người Anh, tiếp nối lý thuyết
"hợp đồng xã hội" của Hobbes với một tác phẩm mà giá trị vẫn còn duy trì
cho đến ngày nay, Two Treaties on Government (1690). Hình ảnh mà Locke
đưa ra về "tình trạng ban sơ" không đen tối, không hoàn toàn vô trật tự như
hình ảnh mà Hobbes mô tả. Ðó là một tình trạng có lý trí. Con người sẵn có
lý trí và lý trí đó dạy rằng, vì tất cả mọi người đều bình đẳng và độc lập với
nhau, không ai được hại kẻ khác, hại đời sống, hại sức khỏe, hại tự do, hại
của cải. Lý trí của con người còn làm cho họ biết rằng họ có một số quyền rút
ra từ luật tự nhiên: ngoài tự do, bình đẳng, đó là quyền tư hữu. Trong cái thế
đang lên của tư sản, đây là quyền thiên nhiên tối thượng. Những quyền đó,
con người có sẵn từ trong "tình trạng ban sơ", không ai cấp cho họ cả.
"Tình trạng ban sơ" khá sáng sủa và hòa bình như vậy, tại sao con người
muốn đi ra khỏi nó làm gì? Ðây chính là điểm khác biệt căn bản giữa Hobbes
và Locke. Hobbes cắt nghĩa động cơ của con người bằng sự sợ hãi và bất an.
Locke thì lạc quan, tin tưởng ở con người và ở tổ chức tự nhiên của xã hội.