Thế rồi trong một khoảnh khắc cực kỳ hạnh phúc, Trái đất động kinh, trộn
với hình hài lảo đảo của tôi làm một. Tôi là ai trong cái khoảnh khắc chớp
mắt đó? Là Trái đất. Chính là Trái đất. Nàng và tôi, trong cơn yêu dấu, trộn
với nhau làm một. Nàng và tôi, cả hai chẳng biết nói gì, làm gì, cả hai chỉ
hổn hển, cả hai trộn với nhau trong một ánh sáng linh thiêng.
"Từ chính mắt tôi, tôi thấy Trái đất; từ khả năng hiểu biết của tôi trước đó, tôi
thấy Trái đất. Từ bụng tôi, từ chân tôi, từ giới tính của tôi, tôi là Trái đất. Hỏi
rằng tôi có thể biết Nàng? Biết Trái đất như tôi, vừa là con gái của tôi, vừa là
tình nhân của tôi? Vừa là tất cả?"
Trái đất là la terre trong tiếng Pháp, là giống cái. Cho nên Serres mới gọi là
Nàng, mới có giọng văn trữ tình như vậy. Tôi tạm dịch đoạn văn đó để cắt
nghĩa lý luận của tác giả. Tôi là một với Trái đất; như vậy, làm sao tôi không
hiểu được Trái đất muốn gì? Nàng muốn kiện thì Nàng chỉ cần nói qua miệng
tôi. Tôi nói là Nàng nói.
Ðó là hơi thở văn chương của Serres. Hơi thở lý luận cũng mạnh. Bắt đầu xã
hội loài người là một hiện tượng luật pháp. Tương quan giữa người với người
là luật pháp. Thì cũng vậy, tương quan giữa người và vật, và Trái đất, và vũ
trụ cũng là luật pháp và qua lại. Và cũng giống như "chúng ta phải thiết lập
hòa bình giữa chúng ta với nhau để cứu vãn vũ trụ, chúng ta phải thiết lập
hòa bình với vũ trụ để cứu chúng ta". Qua lại, hỗ tương là hợp đồng, mà hợp
đồng là một hiện tượng luật pháp.
IV - K. MEYER-ABISH: CỘNG ÐỒNG LUẬT PHÁP THIÊN NHIÊN.
Giống như M. Serres, Meyer-Abish [6] cho rằng thế kỷ Ánh Sáng đã dừng lại
nơi con người. Phải bổ túc tư tưởng đó bằng thiên nhiên.
Thế kỷ Ánh Sáng nói: "Mọi người sinh ra bình đẳng". Sự thực thì không thấy
bình đẳng đâu cả. Nhưng trước pháp luật thì bình đẳng. Vâng, cứ giả thiết
như thế: mọi người bình đẳng khi sinh ra. Nhưng bình đẳng, đâu phải chỉ vì
chúng ta là người! Mà là vì chúng ta sinh ra trong điều kiện giống nhau: có
một thiên nhiên giống nhau, chung một lịch sử thiên nhiên như nhau. Ðiều đó