đó đưa lý luận đến bế tắc trong tư tưởng hiện tại. Trong quan niệm của
Pythagore, khoa học không tách rời nghệ thuật; trong thế giới khoa học của
Pythagore, có toán, có tinh tú, có âm nhạc, thơ văn, nước reo, gió thổi; đó là
một tổng thể toàn diện. Vì vậy, ta hiểu tại sao đồ đệ của Pythagore cấm ăn
sinh vật, cấm giết sinh vật để tế lễ. Ðặt mình trong tổng thế như vậy, con
người mới hiểu mình một cách sâu sắc, đích thực, nghĩa là hiểu thiên nhiên
một cách đích thực, hiểu tự trong sâu kín của lòng. Hiểu mình đúng đắn như
vậy thì mới định nghĩa về mình đúng đắn. Ðịnh nghĩa về mình đúng đắn là
mở rộng định nghĩa đó ra đến thiên nhiên, mở rộng ý thức về mình ra đến
thiên nhiên, bao gồm cả thiên nhiên. Ðạo đức được xây dựng trên sự mở rộng
đó: đó là một sự thực hành với mục đích tự hiểu mình. Tự hiểu mình như vậy
thì sẽ tự biến đổi mình, tự thực hiện mình. Ðến tình trạng đó, ta sẽ làm một
cách tự nhiên những gì hòa hợp với môi trường, những gì có lợi cho xã hội.
Ta với môi trường lúc đó là một. Bằng lý thuyết mà thôi, có lẽ không đủ để ta
thấy điều đó. Nhưng ta sẽ thấy bằng kinh nghiệm, bằng suy tưởng, bằng trầm
tư, bằng cách chú ý đến kẻ khác, bằng sự tôn trọng lẫn nhau, bằng tình
thương được hiểu như sự mở rộng cái ta đến kẻ khác.
Thú thực, tôi thấy ý tưởng của Drengson không có gì lạ và khó hiểu đối với
một Phật tử. Tác giả nói đến cách hiểu bằng "meditation". Tôi đã cố không
dịch chữ meditation đó bằng chữ định hoặc thiền, để khỏi phải mang tiếng
chụp cái mũ Phật tử trên đầu tác giả. Tôi tiếp tục.
Sinh thái học là một ngành triết lý, một nghiên cứu, một phong trào xã hội có
mục đích tái lập cuộc đối thoại với thiên nhiên, với các sinh vật - đối thoại
mà xã hội công nghiệp đã cắt đứt. Ðối thoại vô cùng cần thiết; không có nó
thì ta không thể khám phá được chính ta, không khám phá được hình thức
sống của ta. Tại sao? Tại vì người, thiên nhiên và các sinh vật chỉ là những
hình thái sống khác nhau.
Descartes đã tách thân xác ra khỏi tinh thần. Môi trường học tái lập thân xác
của ta: đó là Trái đất. Ta là Trái đất hiện thân, cho nên ta là kẻ bảo vệ tự
nhiên của Trái đất, bảo vệ tài sản của Trái đất, lợi ích của đất, quyền của Trái