Tôi trở về lại với đức Ðịa Tạng. Chỉ bây giờ con người Tây phương mới bắt
đầu nói đến trái đất. Trong Phật giáo, trái đất được ký thác cho một vị đại
Bồ-tát, đức Ðịa Tạng. Tôi đọc kinh Thập Luân: "Vị Ðại sĩ này, bằng định
lực, làm cho tất cả trái hạt phong phú. Tại sao? Vì vị Ðại sĩ này đã qua vô số
kiếp, nơi vô số Phật, phát cái nguyện cực kỳ tinh tiến và kiên cố; do năng lực
của nguyện ấy, để hóa độ chúng sinh. Ngài giữ gìn tất cả đất đai và mầm
mống cho chúng sinh tùy ý hưởng dụng. Chính năng lực của Ngài đã làm cho
cả cõi đất to lớn này cỏ cây rau lá sinh trưởng tốt tươi, thóc lúa hoa quả đầy
đủ chất lượng" (H.T. Trí Quang, tr. 26-27).
H.T. Trí Quang bình chú: "Lời này cho thấy Ðịa Tạng là kho đất, là nghĩa
đen thực sự". Kho tàng đất đó chứa ai? Chứa chúng sinh, chứa vạn vật. Tôi
đọc tiếp kinh Thập Luân: "Ðịa Tạng Ðại sĩ bạch đức Thế Tôn, con nguyện tế
độ tất cả bốn chúng đệ tử của đức Thế Tôn. Con làm tăng trưởng hết thảy
bạch pháp giải thoát, tăng trưởng cây trái và dược liệu, tăng trưởng đất nước
gió lửa... Ðức Thế Tôn nói: Ðịa Tạng Ðại sĩ làm được như vậy là vì Đại sĩ đã
được tuệ giác Bát-nhã sâu xa, nắm chắc tính chất đối kháng và hỗ trợ lẫn
nhau trong quá trình sinh diệt của đất nước gió lửa".
Ðất nước gió lửa là ai? Là người, là chúng sinh, là vạn vật, là sự sống. Giống
nhau từ trong bản chất. Cho nên cạnh tranh sinh tồn không phải là cơm nước
của Phật giáo. Ðó là nghịch lý. Phật giáo ăn, uống, thở với chủ trương và với
đạo đức tương quan sinh tồn. Giữa người với người. Giữa người với vạn vật.
Tôi dùng chữ "đạo đức" như thế là đã hạ thấp giáo lý Phật giáo xuống một
bậc rồi. Sự thật, đó là căn bản của Phật giáo, chứ không phải chỉ là đạo đức.
Nhân loại và vũ trụ đều là bản thể đồng nhất, và chính từ đó mà khởi ra khái
niệm "đồng thể đại bi". Tôi biết như vậy nhưng vẫn dùng chữ "đạo đức" vì
hai lẽ:
Một, là tôi cũng không quên rằng trong Phật giáo con người có địa vị quý
nhất, không phải so với các loài vật mà thôi đâu, mà còn so với các chư thiên
nữa, bởi vì chỉ có người mới giải thoát, chỉ có người mới thành Phật.