Cao Huy Thuần
Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi & Ta
BÀI THỨ SÁU
LUẬT TRONG VĂN MINH Á ÐÔNG:
TRUNG HOA, NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM
Tôi sẽ nói 3 vấn đề: Luật và đạo đức; Chữ Hòa trong văn minh Trung Hoa,
Nhật Bản và trong giới luật Phật giáo; Ðạo Phật trong luật cổ Nhật Bản và
Việt Nam.
I - LUẬT VÀ ÐẠO ÐỨC
Ðây là vấn đề liên quan đặc biệt đến Khổng giáo. Vì vậy, phải nói đến triết lý
Khổng giáo trước hết.
Câu hỏi căn bản của Khổng giáo là: điều ác (xấu) đến từ đâu, đến từ bản tính
của con người hay từ giáo dục xấu?
Có thể có hai câu trả lời, mỗi câu bao hàm một quan niệm khác nhau về
quyền lực và về giáo dục. Câu trả lời lạc quan: bản tính con người là thiện.
Khổng tử viết: "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Khổng Tử, Mạnh Tử, khuynh
hướng chính thống dạy như vậy.
"Tính bản thiện". Vậy nếu con người trở nên xấu là tại xã hội đã đi lệch
những quy tắc thiên nhiên mà trời đã định. Bởi vì người là sản phẩm của giáo
dục và của đời sống xã hội, cách chữa trị là giáo dục xã hội và con người,
giáo dục theo những nguyên tắc thiên nhiên. Khổng giáo, do đó, đặt nặng vấn
đề giáo dục. Giáo dục để làm con người trở nên thiện bằng cách giúp con
người trở về với cái thiện bẩm sinh. Nói cách khác, đề án xã hội của Khổng
giáo là đặt trật tự chính trị dưới đòi hỏi của đạo đức. Thời của Khổng Tử (thế
kỷ 6 trước Tây lịch) là thời loạn, không có kỷ cương, chư hầu tranh ngôi.
Khổng Tử muốn tái lập trật tự bằng cách đặt trật tự đó dưới sự cai trị của
tầng lớp nho sĩ được lựa chọn vì có trí thức, vì có thẩm quyền, vì có đạo đức.
Ðó là một sự thách đố mà nhiều người cho là mộng mị, viễn vông - thách đố