Đây là mùa gạo ba giăng cơm thổi lên ăn quên chết. Là vì riêng cái gạo
nhựa mới ăn vào đã dẻo quá rồi, thơm quá rồi, người vợ lại cẩn thận
chuyên đong của người quen thành ra không pha phách gì hết, ăn mới thực
hoàn toàn thích khẩu.
“Cũng thì là một thứ thóc, cho vào cối xay, nhưng mỗi người hàng xáo sàng
trấu cho tách rời khỏi gạo, khéo vụng khác nhau. Phải làm sao cho gạo
không lẫn trấu. Mà thế cũng chưa đủ: gạo sàng rồi phải giã trắng thì ăn mới
ngon miệng chớ có trấu lẫn vào, hư cả chén cơm đi”.
“Vẽ chuyện! Gạo giã ngon, thì có lẫn một vài hạt trấu vào vẫn cứ ngon như
thường”.
“Không được. Ăn một chén cơm ngon lúc hết mà có một vài hạt trấu lẫn
vào, coi như bỏ. Vì thế những người hàng xáo thông thạo, lúc sàng gạo rất
cẩn thận mà đến lúc giã gạo cũng không cẩu thả: họ đếm từng chày, và đôi
khi hồ gạo bằng một vài cái mạ non. Xong rồi, phải giần cho thật kĩ để cám
và tấm tách rời riêng khỏi gạo”.
“Trấu dùng để đun bếp hay trải chuồng lợn, cám thì cho lợn ăn, còn tấm sở
dĩ phải để riêng ra là vì ăn hơi sạn sạn. Cái nghề hàng xáo cũng như nghề
con gái may áo cưới cho người ta, anh ạ. Gạo ngon thì đem bán hay để
dành cho chồng cho con, còn chính các bà các cô hàng xáo thì ăn cơm
tấm”.
“Tại cơm tấm ăn ngon và lạ miệng”.
“Không phải. Nhưng bởi vì cơm tấm no lâu, đi chợ xa đỡ phải ăn quà. Mà
bỏ đi cho lợn ăn thì phí”.
Đói no một vợ một chồng,
Một niêu cơm tấm dầu lòng ăn chơi.
*