gà mái đẻ.
Ở Phan Thiết, tại cực nam Trung bộ, cá mòi là căn bản của một sản phẩm
đặc biệt quý giá: mắm mòi – một sản phẩm từng làm đầu đề cho nhiều câu
hát, câu hò tình tứ:
Cô kia bới tóc cánh tiên,
Ghe bầu đi cưới một thiên cá mòi.
Không tin dở thử lên coi,
Rau răm ở dưới, mắm mòi ở trên.
Con trai Bình Thuận nghe thấy cô gái Phú Yên đẹp quá, mê cứ tít đi, dẫn
cưới cả một thiên cá mòi, thế thì đủ biết mắm mòi ngon biết chừng nào, cá
mòi quý là nhường bao.
Ở Bắc Việt, cá mòi không có nhiều như ở Nam và ở Trung. Cả năm, chỉ
tháng mười, tháng một mới thấy giống cá này xuất hiện, mà đặc biệt là nó
chỉ rộ lên mươi ngày lại thôi rồi lại có, có vài ba bận rồi thôi hẳn, y như thể
chim ngói và rươi vậy.
Tôi còn nhớ mỗi khi trời bắt đầu rét mà có cá mòi thì người ta gánh đi bán
rao ầm ĩ cả hàng phố lên, y như thể có một thứ hàng gì lạ lắm. “Ai mua cá
mòi ra mua”. Và cũng như rươi, cốm và chim ngói, quay đi quay lại chỉ
một buổi sáng là những bà nội trợ sành ăn đổ ra mua hết nhẵn. Ở bên ngoài
có gió rét mưa phùn, đóng cửa sổ lại mà uống một vài cốc rượu hâm cho
nóng thì vừa lúc vợ ở dưới bếp đưa đĩa cá mòi lên cho chồng đưa cay:
không, dù anh là người không ưa món cá, sợ tanh, anh cũng phải nhận cá
mòi ở Bắc khía cạnh, rồi xát nghệ, nướng lên trên than tàu, chấm nước
mắm gừng, nhắm rượu ngon gia dụng!
Cứ nói thực ra thì có người đẹp miền Nam không lấy làm dzui lắm, nhưng
tôi cứ phải chịu lấy cái tội “thiếu sự thể” mà nói rằng, vào đây, tôi cũng ăn