THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - Trang 151

cá mòi, nhưng cá mòi ở Bắc sao nó vẫn có cái gì ngát hơn, bùi béo hơn, mà
cũng ngọt ngào hơn. Không biết có phải tại hiếm mà quý? Tại thương vợ
quá, phàm vợ làm món gì cũng thấy ngon dội hẳn lên? Hay là bởi tại thời
tiết hiu hiu lạnh, mang mang buồn, ăn vào thấy ngon hơn? Mà cũng không
biết có phải tại con cá mòi ngoài Bắc nó li kì hơn con cá mòi ở Nam và ở
Trung?
Sách “Giao Châu Ký” chép rằng ở miền bể phía Nam có thứ cá vàng đến
tháng chín hoá ra con chim cút, trứng ăn vào bổ thận tráng dương, thịt chữa
được các chứng phiền muộn, cảm lị, thì sách “Thoại thực kì văn” của
Trương Quốc Dụng cũng ghi rằng cá mòi là do con chim ngói hoá ra, cái
ruột con cá mòi là cái mề của con chim ngói.
Cuối tháng chín ăn chim ngói cơm mới sau lễ Thường Tân còn đương thòm
thèm thì chim ngói bói không còn lấy một con, mà bây giờ sang đến giữa
tháng mười lại vang rân tiếng rao cá mòi là con chim ngói hoá thân, mấy
mà không cố mua ăn cho kì được để ngẫm nghĩ lại cái ngon của chim ngói
và nhân tiện sánh cái ngon của chim ngói so với cá mòi ra sao.
Ăn một miếng cá như thế, muốn nói gì thì nói, cũng cứ phải nhận là thú vị
không tả được, mà vừa nhắm nhót vừa thấy thú vị trong lòng, ngon một
cũng thành ra ngon mười, gia đình dù có túng thiếu ít nhiều cũng vẫn chan
hoà một bầu không khí tươi vui ấm cúng. Chính lúc ấy, người chồng cảm
thấy câu dân ca này đúng hơn cả bao giờ.
Khế rụng bờ ao, thanh tao anh lượm
Ngọt như cam sành, héo cuống anh chê…
Mà người vợ, hình như cảm thông với chồng từ khoé mắt, từ tiếng cười,
mặc dầu không thốt ra miệng cũng cảm thấy trong tim như có tiếng hát bé
nhỏ vọng ra:
Nhà em có vại cà đồng,

Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.