khương thấy thế đã không giận người chồng trắc nết mà lại cỏn cười hoạ
theo với cô hàng và nức nở khen cô hàng xinh quá.
Nghe thấy thế người chồng rờn rợn tưởng là vợ chơi chua, nhưng dò ý tứ
mãi thì thấy không phải thế, thực ra chỉ là khéo biết chiều ý chồng mà thôi.
Không chiều ý thì làm sao người chồng “lên cơn” bảo đưa tiền để tiêu xài
một cách phi lí mà cũng cứ chịu liền? Ấy là tại vì người vợ hiểu chồng quá
đi rồi, biết là có tiền cũng chẳng đi cô đầu cô đít hay là trai gái phiện phò
đâu, nhưng lại đi lên Nghi Tàm hay tạt về Ô Đống Mác mua cái đồi, hòn
non bộ hay một cây thế lăng nhăng gì đó để ra ngắm vào ngắm rồi tưới, rồi
sửa, rồi uốn, rồi bón, rồi hãm mất hết ngày.
Mùa thu vừa qua đây, cây khô lá vàng, vì thời tiết hanh hao, sang đến tháng
mười, có mưa dầm, cây cối tỉnh lại, không mua ngay gốc tùng La Hán của
Nhiêu Ban hay chạy lên nhà Ba Thá nói khó để lại cây bỏng nổ gốc to bằng
cổ tay mà lá lăn tăn như hạt thóc thì uổng quá.
Sáng dậy, ra thăm mấy chậu cảnh, mấy cái đồi, thấy lá cây còn óng ánh
nước mưa, lá tươi hơn hớn, hay những cái “rễ nồi” trắng phau như có ai
mới lau chùi, mình tự nhiên thấy nhẹ nhõm cả người và tưởng như mình là
một thứ người đạo cốt tiên phong sống hẳn ra ngoài vòng kiềm toả. Khoác
một cái áo lạnh lên lưng, đi quanh quẩn trong vườn, “trả lại” cành này cho
cây này, tỉa những lá thừa kia cho cây kia, mình thấy ngày giờ trôi đi nhẹ
như mây, nhưng nếu ví thử cái máu giang hồ vặt nổi lên, không muốn bị tù
hãm trong bốn bức tường mà lại đi ra ngoài hứng rét đội mưa để nghe tiếng
chuyển mình của sông hồ đồi núi thì lại thấy trong lòng ngan ngát một sự
say sưa khác hẳn.
Đó là cái say sưa thần thoại của Từ Thức nhập Thiên Thai nhìn ra bát ngát
chung quanh toàn những hoa đào, mà lắng tai nghe thì trên trời dưới đất
toàn là tiếng suối đàn róc rách.
*
* *