hoặc là ăn với bún, cách gì cũng vẫn cứ là ngon; muốn lạ miệng, thì dùng
cá nướng trui, cá bọc vào đất rồi bện rơm lại mà hầm, như các ông sư hổ
mang hầm thịt chó; nhưng có cô gái nào xót ruột thì nên dùng canh chua cá
lóc hay lấy tạm cá tra sọc, cá sặc buồm, cá bi côi nấu với xoài xanh ăn cũng
“đỡ” vô cùng.
Cá làm thành bao nhiêu món, cá tạo nên bao nhiêu là bài thơ, nhưng chỉ lạ
có một điểm là làm sao không ai làm chả cá để đến nỗi phải đợi sau khi di
cư đến bảy tám năm trời mới có hai ba nhà làm món ấy để cho các ông
ghiền món ăn này “xài đỡ”!? Đi chơi mười một quận đô thành, đi khắp cả
các Vàm Đông, Vàm Láng, Vàm Tây, Bãi Xầu, Sóc Trăng, Bạc Liêu xưa
kia nổi tiếng về nghề đóng đáy thả lưới, quăng chài để bắt cá bắt tôm mà
cũng nổi tiếng luôn là có nhiều các chú:
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
thật quả tôi chưa thấy một người Tàu nào làm chả cá trong khi bao nhiêu
món ăn Bắc như phở, bánh dẻo (1), thang, cuốn, thịt cầy, lươn, ếch, họ đều
làm tuốt để bán cho người mình thưởng thức! Tại chả cá khó làm? Tại có
một bí quyết riêng ướp chả? Hay tại vì cá anh vũ dùng làm chả không ở đâu
có ngoài Bắc Việt? Điều đó chưa có người nào nghiên cứu nhưng hồi còn ở
Hà Nội, mỗi khi ngồi tán chuyện gẫu với Hy-Chả-Cá (2) mà thấy có những
người Tàu ở Hồng Kông về đặt mua cả trăm cả ngàn “gắp” với đủ rau,
hành, nước mắm, bánh đa, cà cuống, mắm tôm, chanh ớt để đưa lên máy
bay chở hoả tốc về Hồng Kông ăn nhậu thì tự nhiên mình cũng thấy sướng
tê tê vì người mình đã sản xuất được một món ngon đặc biệt mà chính ba
tàu nổi tiếng là nước “kén ăn” cũng phải mua của ta để xài!
Nghĩ như thế rồi ăn một bữa chả thật ngon, được chủ nhân để dành cho vài
chục gắp “lòng”, chan mỡ nước kêu lách tách, rồi uống nước trà mạn sen,
ăn một miếng trầu nóng ran cả người lên, đoạn đi ngất ngưởng trong gió
lạnh, tìm một cái xe bỏ áo tơi cánh gà trực chỉ Khâm Thiên hay Vạn Thái