THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - Trang 165

những buồn rầu về tiền nong công nợ. Ánh lửa bập bùng soi vào những bộ
mặt nửa sáng nửa tối của những người ngồi nói chuyện. Thỉnh thoảng, nghe
gió rào rào và nước lóc róc trên tàu ba tiêu, có người mới nhớ là bên ngoài
mưa và rét. Ở trong này chén nước vối nóng làm ấm lòng người ta. Một
ông vỗ vào đùi:
- Ờ, thằng Cún đâu nhỉ, tao có giấm mấy củ khoai trong bếp tro, về lấy sang
đây, mau!
Có tối chỉ có một mẻ ngô rang mà khề khà ăn gần hết đêm. Lại có ông
nhấm nháp một vài chén rượu với chả nhái, rung đùi tưởng chừng như có
thể gãy cả thang giường vì ngon quá thể là ngon, ngon có thể chết ngay đi
được.
Hồi kháng chiến, tôi đã từng sống ở những làng đồng chiêm và những buổi
tối tháng một vẫn ngồi đốt lửa họp hội đồng như vậy. Họp chừng một tuần,
thành ra nghiện. Nghiện chuyện của bà con lối xóm, nghiện nước vối,
nghiện ngô rang, nghiện khoai lùi, và nghiện luôn cả cái lòng ưu ái đậm đà
của những người hàng xóm nghèo nhưng ăn ở lúc nào cũng như bát nước
đầy.
Ở đất đồng chiêm, khoảng giữa tháng mười, sau khi tát nước để làm vụ cấy,
người nông dân gieo mạ trên những thửa ruộng xâm xấp nước. Buổi chiều,
chắp hai tay sau lưng đi ra ruộng, vào trung tuần tháng một, ta đã thấy ngọn
mạ dạt dào trước gió bấc. Qua màn mưa phùn tím nhạt, những ruộng mạ
xanh hoa lí giải ra như những tấm thảm lưu li, chỗ đậm, chỗ nhạt, trông thật
tài tình. Mạ lúc ấy cao chừng ba tấc, mỗi khi có gió chạy qua, rạt cả xuống
rồi lại đứng lên, trông y như thể là các cô tiên đang múa.
Trông thấy mạ, người nông dân không những sướng mắt mà sướng cả lòng.
Là vì lúc ấy họ cảm thấy đã hơi hơi “ăn chắc”; mai kia, họ sẽ nhổ mạ lên bó
lại từng bó, xén bớt đầu lá để đem cấy lại, nhưng trước khi cấy lại, thường
thường phải tát nước vào trong ruộng.
Chính lúc này nước lại khan, hồ ao lắm khi gần như cạn hết, người làm

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.