THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - Trang 166

ruộng phải mất công tát từ những mương xa, nhiều khi phải cho nước chảy
qua ba bốn thửa ruộng khác mới tới ruộng của mình. Ấy chính đôi khi tát
nước như thế mà bắt được vài con cá nhỏ hay mấy con tôm càng, họ nhịn
miệng không ăn, lại đem biếu vợ chồng người khách lạ tản cư về làng họ.
Tội nghiệp, ông bà ấy bỏ cả nhà cả cửa mà đi…
Họ không nghĩ đến chính thân họ mà chỉ nghĩ thương đến người từ ở
phương xa tới và đã biết bao nhiêu lần đi kiếm rau mồng tơi, mảnh bát về
nấu canh, họ không quên hái thêm một mớ cho vợ chồng mình “ăn tạm”.

*

* *

Ở thị thành, phải nói thật là cái không khí yêu thương, ưu ái đó không có
mấy. Tôi nhớ những đêm tháng một hồi còn bé, cứ độ tám giờ tối thì nhà
nào nhà nấy đóng kín cửa lại ở trong nhà với nhau, ít có người nọ đến thăm
người kia, ít có đốt lửa sưởi với nhau và cũng ít có những “vụ” uống nước
vối, ăn khoai lùi, trò chuyện cởi mở với nhau như thế. Thường thường, trẻ
con chui vào chăn bông đi ngủ sớm, trùm kín đầu đâu đấy rồi mới móc túi
lấy hạt dẻ hay ngô rang ra xực, trong khi một cô em gái đọc cho bà nội
nghe truyện “Thuyết Đường” hay “Tây Du” lấy công một hai xu một
quyển.
Có khi ăn chưa hết ngô rang trong túi đã ngủ rồi, và chỉ độ một tiếng đồng
hồ đã mộng thấy mình đi qua cầu, sang Gia Lâm, Gia Quất bẻ trộm ngô và
bị người ta đuổi đánh. Sợ toát mồ hôi, thức dậy thì có khi cả nhà đã tắt đèn
đi ngủ rồi. Lúc ấy, nằm mà lắng tai nghe những hạt mưa nặng hơn lúc ban
ngày rơi lộp bộp trên mái ngói, người ta, dù hãy còn nhỏ nhít, cũng thấy
buồn tê tê, nhưng buồn nhất đêm đông ở Bắc Việt là tiếng rao “giò giầy” và
tiếng một người ăn mày từ ở tít đàng xa vọng tới, ví cái thân mình với con
cá: “con cá nó sống vì nước, con sống về cửa ông cửa bà”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.