Hình ảnh một người đàn ông mặc áo lá rách, đội một cái thúng vá trên đầu
và xách một cái đèn dầu ở tay, thỉnh thoảng lại đánh rơi trong đêm khuya
một tiếng rao ngái ngủ “giò giầy” cũng như hình ảnh một người mù, tay
cầm một cái gậy bò lê dưới trời mưa, trong gió lạnh (có khi có một con chó
dẫn đường), tính đốt tay cho đến bây giờ đã có ngót sáu mươi năm nhưng
vẫn cứ mờ mờ hiện hiện trong óc tôi mỗi khi thấy tháng một trở về.
Tháng một trở về ở đây không có gió bấc, không có mưa phùn, tháng một
trở về ở đây tươi hồng rậm lá, tháng một trở về ở đây sướng như điên trong
tiếng nhạc “sốt gun” có cô con gái Việt Nam bá vai thằng Mỹ đu đưa, thế
mà không hiểu tại sao tôi cứ nhớ hoài, cứ thương mãi cái tiếng rao “giò
giầy” và tiếng than “con sống về cửa ông cửa bà” của người ăn mày mù!
…
Sàigòn ơi, Sàigòn có đêm hồng, Sàigòn có những cô ca sĩ đeo một triệu
rưởi hột xoàn ở cổ và một triệu rưởi hột xoàn khác ở vú, có khi nào quay về
xứ Bắc anh em để nhận thức rằng Sàigòn sướng không biết chừng nào vì
gạo thì thừa, cá lại lắm mà mùa đông lại không cần áo rét vì
Ở đây được cái quanh năm nắng,
Chẳng mượn ai đan áo ngự hàn!
- Rỡn hoài. Bộ anh này muốn nói mỉa Sàigòn sao chớ?
- Đâu có. Này, tôi hỏi: thế từ xưa đến nay có bao giờ ở miền Nam lại có
người chết đói chưa? Mà có bao giờ đã có người chết rét chưa? Ở Bắc, có
những năm mất mùa, vô số người chết đói; còn rét mà chết, nói đâu xa làm
gì, chỉ cách đây vài năm thôi, các báo chẳng đăng bằng tít bự như thế này,
rằng “Ở Bắc Việt người ta chết cả đống vì trời ra tai rét quá, không thể nào
chịu nổi”?
Thế nhưng mà thôi, nói mấy cũng là thừa, bởi vì từ xưa tới nay ai cũng biết