hai năm sau, chả giò, chả lụa, lươn um, thịt bò khô trộn với đu đủ, bún
thang… họ tìm ăn như quỷ. Thấy vậy, tôi cười, và thích thú vô cùng.
Nhưng thích thú, hả hê gì thì cũng không bằng thấy các ông, các thầy người
Nam lịch sự như trời nghiện phở Bắc, sáng sáng không làm một tô thì đừ ra
trông thấy, hay các bà các cô người Nam đẹp như tiên chịu bún riêu, bánh
cuốn, bún ốc, rượu nếp, thang… hơn là bún bò, bì cuốn, hủ tíu thịt heo,
cháo huyết…
Vẫn biết mỗi thức ăn có một phong vị riêng, không thể đem ra so sánh
được, nhưng trông thấy người Nam “ăn Bắc”, tôi thấy có một cái gì duyên
dáng lạ lùng, và tôi ưa nghĩ rằng ăn như thế là đem cái thương yêu đặt vào
trong lòng, trong ruột.
*
* *
Cô Ba đã thấy có những người Bắc mới vào đây không biết ăn sầu riêng
chưa? Ngộ lắm: họ lợm giọng, muốn nhả ra, nhưng sợ bất lịch sự đành phải
nuốt mà chảy cả nước mắt nước mũi ra, y như thể một đứa trẻ ăn cơm
muốn bỏ mứa nhưng không được, phải nhắm mắt nhắm mũi nuốt cho xong.
Ở Bắc, có một món mà lúc đầu nhiều người trong này cũng không chịu
được, cũng như có một số người Bắc lúc đầu không chịu được sầu riêng
nhưng sau quen giọng rồi thì nghiện như nghiện cần sa vậy: đó là cà cuống
- một thời trân của tháng một, được lưu ý nhiều từ khi có cuộc di cư.
Bây giờ, nói đến cà cuống, tất còn có cô Bảy, cô Ba lợm giọng và chê là hôi
quá, không chịu nổi, nhưng nói chung thì nhiều người ở đây đã chịu cái
giọng của nó rồi. Tôi còn nhớ hồi năm một ngàn chín trăm hai mươi chín,
ba mươi, ở trong này, về phía đồng bào người Nam có thể nói một ngàn
người thì may ra có một dùng được nổi mà thôi, còn chín trăm chín mươi
chín người “cẩm như Tây” không thể ngửi được mùi của nó, chớ đừng nói