là thưởng thức.
Thực tình đến bây giờ tôi không biết tại sao lại có người ngửi mùi cà cuống
mà lại bảo là hôi, chớ ở Bắc thì có thể nói không người nào lại không mê cà
cuống, không nhà nào lại không có một ve cà cuống để sẵn trong nhà, ăn
uống món nào đó cần phải có tí cà cuống mà không có để đưa ra thì người
nội trợ chưa được liệt vào “số dách”.
- Tưởng là gì! Con cà cuống anh nói đó có phải tên thật là đà cuống không?
Nếu thế thì ở đây thiếu gì. Người ta không buồn bắt. Vào cữ này, đêm nào
anh cứ đi láng cháng trên con đường Tân Sơn Nhứt hay là ra cầu Bình Lợi
xem có cả đống không?
- Chính “hắn” đó. Người ta quen gọi là cà cuống. Thực ra, tôi không biết sự
tích nó thế nào, nhưng nhớ lại lúc vợ chồng sum họp với nhau, ngồi nhể
bọng cà cuống lấy dầu, thì vợ vốn là người thuộc thơ và nhớ tích truyện,
cho biết con cà cuống thực ra là con đà cuống, và cũng như chim ngói, cá
mòi, cũng có một truyền kì về nó.
Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà
cuống. Thấy thơm một cách lạ kì, ông ta bèn gửi dâng vua Hán một mớ và
gọi nó là “quế đồ”, nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận
rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi
người một con. Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện tâu rằng: “Đó
không phải là con sâu sống ở trong cây quế mà chỉ là một con sâu sống ở
dưới nước “thuỷ đồ”. Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”,
nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó, cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn
một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng.
Con rận rồng! Nghe tên có quý không? Ta có tám món ăn quý nhất gọi là
bát trân : nem công là một, chả phượng là hai, da tây ngu là ba, bàn tay gấu
là bốn, gân nai là năm, môi đười ươi là sáu, thịt chân voi là bảy, yến sào là
tám. Con rận rồng không phải là một thứ trân, mà chỉ nên coi là gia vị,
nhưng nghe tên thì quý có phần hơn cả bát trân là khác.