được vừa ý ông thần khẩu.
Ấy thế mà cà cuống ở đây, thực ra, mới chỉ là hạng nhì, vì cà cuống đây
không cay sắt là một lẽ, mà lẽ khác là vì dầu cà cuống phần nhiều pha chớ
không được nguyên chất, lại cũng có thứ dầu cà cuống chế bằng chất hoá
học chớ không phải là dầu chính cống, lấy trong bọng con cà cuống ra.
Tôi tiếc ở đây người ta không xài cà cuống thịt, phảí chi có những người
đến mùa đi bắt đem về luộc lên để cho các bợm nhậu đưa cay, dám chắc xí-
quách, lỗ tai heo, khô nai, khô cá thiều, thịt bò lúc lắc đều thua xa một
nước.
*
* *
Nhưng nói thế mà thôi, chớ nóng chảy mỡ ra như cái tháng một ở trong
này, ăn vàng vào miệng cũng như là ăn rơm. Chỉ được cái trái cây gỡ lại.
Không nuốt được cơm, chỉ lấy trái cây mà rẫy, rồi ăn xong thì mồ hôi mồ
kê nhễ nhại, anh nằm quạt máy lim dim con mắt mơ về những chuyện xa
xưa, tôi đố anh không có lúc thấy tiếc tiếc, nhớ nhớ, thương thương cái bầu
trời đục màu chì lỏng, cái mưa lầy lội chỉ vừa làm ướt gấu quần và cái rét
êm êm, ngòn ngọt thỉnh thoảng lại có một ngọn gió hơi buôn buốt thổi vù
vù từ xa lại làm cho những cành cây thưa lá đập vào nhau và reo lên khe
khẽ như tiếng của những người yêu bé nhỏ gọi những người yêu.
Mưa rét như thế, ai mà chẳng cảm thấy ở trong nhà đọc sách thỉnh thoảng
lại nhắp một miếng cà phê do chính mình pha lấy và hít một khói xì gà thì
nhất: những người có chất nghệ sĩ lắm khi khó chịu đến cái mức vợ con
không thể nào chịu nổi. Có ai nằm nhớ lại Hà Nội ngày nào, vào những lúc
trời se sắt, mưa dầm dề, gió lê thê như thế, thỉnh thoảng ở giữa đường lại có
một anh chàng mặc áo tơi, đội mũ mốt săng, đi ghệt, ngậm cái ống điếu đi
lang thang một mình như đang nghĩ thơ không?