Tết
Hỡi cô mặc cái yếm xanh…
Nhưng tại sao cứ đến ngày Tết chẳng ai bảo ai mà thiên hạ cứ tự động
kiêng như thế? Kíêng theo tập tục? Kiêng vì mê tín? Hay kiêng như thế thì
có may mắn thực?
Tôi không biết. Chỉ thấy rằng ông bà tôi kiêng, rồi cha mẹ tôi kiêng thì đến
tôi, tôi cũng cứ theo thế mà kiêng luôn. Và tôi chắc rằng con tôi, cháu tôi,
có thể có óc khoa học hơn tôi, nhưng rồi cũng cứ sẽ kiêng như thế.
Lúc ấy, lễ giao thừa đến xong rồi. Giấc ngủ lúc hai ba giờ về sáng ngon
lành hơn cả bao giờ. Gặp ngày thường thì năm giờ sáng đã có người đi lại ở
ngoài đường rộn rã, nhưng sáng ngày mồng một tết, người ta ngủ muộn mà
không sợ ai khinh động giấc ngủ của mình. Bảy giờ, và có khi hơn bảy giờ
mới dậy.
Nằm ở trên giường mở mắt nhìn thì thấy cả cái nhà mình mới hẳn ra, cửa
vẫn đóng kín mà lại sáng như cái động. Thì ra đèn nến ở trên các bàn thờ để
suốt đêm không tắt, nhang vòng vẫn cháy đưa ra một mùi thơm ngạt ngào
hoà với hương hoa, hoà với gió đàn của những cánh đồng bao la lùa qua
cửa sổ, hoà với tiếng của mùa xuân về trong ý nhạc lời thơ. Rõ ràng anh mở
mắt nhưng cảm như thấy tổ tiên mình về ngự ở trên bàn thờ trò chuyện với
nhau, và phù hộ cho con cháu thực. Âm dương không còn cách biệt xa vời
nữa. Dương quang không phải chỉ đầm ấm trong hơi sương ngọt ở ngoài
kia, nhưng ngay ở trong mạch máu của mình. Anh thấy sinh khí len khắp
nhựa cây mạch đất và thấm cả vào trong da trong thịt của anh. Khúc nhạc
hồn non nước thấm nhuần anh, thử hỏi anh không yêu Việt Nam, nghĩ Việt
Nam và cảm Việt Nam sao được.