Từ mấy hôm trước, người vợ đã dặn đi dặn lại các con: ngày tết không
được quét nhà, vì sợ đuổi thần tài ra cửa, không được đánh vỡ chén bát để
tránh đổ vỡ suốt năm, không được khâu vá vì kim chỉ tượng trưng cho công
việc làm ăn vất vả.
Bây giờ kiêng thế là giản tiện nhiều rồi đấy, chớ ngày xưa các cụ còn kiêng
gọi tên con khỉ, con chó, con lợn vì nói đến tên chúng thì không may mắn;
người làm ruộng kiêng nói đến tên “cầy” trước khi cúng cái cày; các gia
đình lễ giáo kiêng viết lách trước khi làm lễ khai bút, còn các nhà buôn bán
thì kiêng bán hàng trước khi làm lễ tiên sư ở quầy hàng để xin trời đất phù
hộ cho buôn may bán đắt.
Tất cả những sự kiêng kị đó, chồng con đã biết quá đi nhưng năm nào
người vợ cũng cứ phải nhắc đi nhắc lại như thế, tuồng như không nhắc thì
không chịu được.
Con cái trong nhà mà tỏ vẻ hoài nghi về các sự kiêng kị đó thì gọi là còn lôi
thôi rầy rà. Là vì người vợ cho rằng tất cả những sự kiêng kị đó không phải
là dị đoan, nhưng là tin tưởng.
Phải. Tại sao Tết lại đặt vào ngày cuối và đầu năm âm lịch, mà không đặt
vào ngày nào ấm áp như Đoan Ngọ hay Thất Tịch? Ấy là vì tổ tiên ta lúc
chọn ngày để đặt Tết Nguyên Đán đã có một ý định là đem lại cho Tết
Nguyên Đán một sự phù hợp với tính chất sinh hoạt dân tộc: các cụ chọn
một ngày rảnh nhất, một ngày có ý nghĩa nhất trong một năm để tưởng nhớ
đến ông bà, rước xách thờ cúng và nghỉ ngơi cho khoẻ.
Đặt vào ngày cuối Đông đầu Xuân, ngày Tết Nguyên Đán còn có một thâm
ý sâu xa hơn nữa: theo Từ Nguyên, xuân có nghĩa là “trai gái vừa lòng
nhau”, xuân là cựa động, băng giá tan hết, muôn vật đến mùa xuân đều cựa
động mà sống lại. Từ quan niệm ấy, người mình tiến đến tín ngưỡng thờ
Thần Đất. Họ tin rằng trong không, thời gian mà Thần Đất vắng mặt trên
trần thì không ai được động chạm đến đất như cày bừa cuốc xới đất lên hay