lên, tết là ngày giải lao, tết là ngày vui vẻ đoàn kết, đoàn kết người sống với
người chết và đoàn kết người sống với người sống.
*
* *
Ăn tết ở đây, tôi tự hỏi hàng trăm ngàn lần cái ý nghĩa đó có hay không?
Ấy là vì vào cái cữ này ở đây trời nắng tan vàng nứt đá, đi ngoài đường một
lúc mắt cứ hoa lên. Thử tưởng tượng vào khoảng mười giờ ngày mồng một
tết, trời nắng chói chan mà đóng bộ “đồ lớn” vào – cho trịnh trọng – đi một
quãng đường độ ba cây số để mừng tết người bạn thân thì mồ hôi mồ kê ra
nhễ nhại đến chừng nào! Đi tắc xi thì xót ruột – trèo lên xe là đi đứt sáu
chục đồng rồi – đi xe lam thì mệt, mà đi xe gắn máy thì rất có thể thành heo
quay; ấy thế mà đến nơi thì bạn lại đi vắng, đành để lại tấm cạc với bốn chữ
“Chúc mừng năm mới” nhạt phèo! Về đến nhà, người bạn thấy tấm cạc thở
hắt ra: nếu không đáp lễ thì mang tiếng, mà đến thăm bạn thì mệt, tốn tiền
xe, mà chắc gì bạn đã có nhà! Nhưng mà cứ phải đi! Và người nào cũng cứ
phải làm như thế cho đủ “lệ bộ”, cho trọn “ân tình”. Rốt cuộc, anh nào anh
nấy mệt phờ râu, tốn thêm tí tiền nguyên đã hiếm hoi khó kiếm từ khi có
thuế kiệm ước và kiểm kê huê lợi.
Nhưng đôi khi người khách cũng may mà gặp chủ nhân ở nhà. Cả hai cùng
cười ha hả như những kẻ suốt đời sung sướng, nhưng thâm tâm thì cả chủ
lẫn khách đều lo. Khách lo vì đến nhà nào cũng phải nhắc lại mấy câu sáo
cũ và uống chén rượu nhạt mừng xuân; cỏn chủ cũng lo là vì theo tập tục,
ai đến cũng phải mời li rượu, mà rót li rượu cho khách mình cũng phải
uống một li, vì không như thế thì khách buồn, có khi lại lầm tưởng mình
là… kẹo. Thành thử ra phải uống. Ông khách nào đến, cũng phải uống;