cũng phải chuyện trò.
Liền ba ngày tết mà cứ tái diễn mãi cái trò như thế thì sức mấy mà không
quỵ, mà không chán mớ đời. Vì thế, có nhiều người ở đây sợ tết, cứ sắp hết
năm thì lại xếp một số tiền đem cả gia đình đi Đà Lại hay Vũng Tàu, Nha
Trang với thâm ý “bế môn tạ khách”.
Theo trí nhớ của tôi, ngày trước ở Bắc Việt hình như không có tình trạng
thương tâm đó. Ấy có lẽ một phần vì các đường phố không xa lắc xa lơ và
dài thườn thượt hàng chục cây số ngàn. Có lẽ cũng còn vì từ tháng mười trở
ra cho đến tết, trời đã bắt đầu lạnh mà thường thì vào cuối chạp, đầu giêng
trời lại có mưa xuân, đàn ông thì khoẻ ra mà đàn bà thì tươi hơn hớn, ví có
phải tiếp vài chục người khách, uống vài chục chung rượu, người vẫn cứ
mạnh như thường. Ấy là chưa kể đến đêm lại còn thức tới một hai giờ sáng
đánh bài, rút được ông cụ rồi lên cửu sừng hay “nuôi lợn” tốt đỏ đè tốt đen,
thiết tưởng chích thuốc bổ nào cũng không bằng.
Ở miền Nam, làm gì có cái mùa xuân đó, có cái lạnh riêu riêu đó! Vào cữ
Tết, nắng ở đây gọi là vỡ đầu sát tai, nhưng cần gì, có lẽ một phần nhờ cái
nắng vỡ đầu sát tai đó mà đồng bào trong này có bao nhiêu trái cây lạ để ăn
tết; mà như thế cũng có một cái thú riêng, đố Trung Việt hay Bắc Việt có
thể tìm được đấy.
Này, từ khoảng hai mươi tháng chạp, dưa được người ta đưa về bằng ghe,
bằng cam nhông, bằng xe thổ mộ tràn đầy cả chợ lớn chợ nhỏ, tràn đầy các
sạp, các vỉa hè, anh có thấy không? Muốn ăn tết bằng dưa hấu bao nhiêu
cũng có, anh đừng sợ, nhưng nếu ngại ăn nhiều nóng thì Tết ở Sài Thành
còn sầu riêng, măng cụt, vú sữa tím hồng, vú sữa trắng xanh; sa-bô-chê ở
đây ngọt sắc mà mềm, cắn một miếng thì nó quện lấy chân răng, nhưng Tết
ở Bắc chắc chắn là không có i-chi-ma bóc vỏ ra trông y như lòng đỏ trứng
gà, còn cốc, còn “chùm ruột”, còn bao nhiêu loại bưởi, bao nhiêu loại bòng
và mới đây ta lại còn trái “thầy kiện” ăn cũng ngon ra phết.
Hoa trái miền Nam nhiều quá, ngon quá, cứ gì phải bày vào dĩa cho đẹp ăn