Còn nhớ có một năm chùa Phổ Quang, trong Bắc Việt Nghĩa Trang làm lễ
kỉ niệm pho tượng Địa Tạng vừa mới đúc xong. Trời xui khiến làm sao anh
lại lạc bước đến Tân Sơn Nhất, qua sân Vận Động.
Thấy người ta lũ lượt kéo nhau rẽ vào một đường hẹp ở bên tay phải, anh
cũng theo vào. Ồ này, Tết Sàigòn vẫn còn ghi dấu tích ở ngoài phố trong
nhà, vậy mà chỉ đi một quãng đường, anh ta được hưởng một cái tết Bắc
Việt ở cách Sàigòn có tám cây số – thế có tài tình không?
Lúc đó, chừng mười giờ. Trang chật ních người, tưởng như không còn chỗ
mà chen chân nữa. Lạ thay là cái trực giác của người ta, mắt cũng mắt ấy,
miệng cũng miệng ấy mà quần áo cũng quần áo ấy, vậy mà vừa nhìn thấy,
ta đã biết ngay là người Bắc.
Người ta nhìn nhau với những con mắt âu yếm như chào; miệng không nói
với nhau mà như kể không biết bao nhiêu tâm sự. Thôi mà, nói làm gì.
Mười tám, mười chín năm nay bỏ Bắc Việt ra đi, ở đầu lưỡi người nào cũng
chỉ có một câu hỏi “Bao giờ về? Phải, bao giờ về?”. Chẳng ai trả lời được
cho ai cả.
Người xa nhà định giấu kín câu hỏi trong lòng và mỗi khi đi lễ giao thừa là
tự an ủi, bằng sự trông vào một Đấng Tối Cao trong cõi vô hình chỉ huy
kiếp con người.
Lạy Trời Đất Quỷ Thần! Xin phù hộ cho chúng con mạnh chân khoẻ tay để
một ngày kia được trở về chốn chôn rau cắt rốn.
Những ngày tết trước, ở đất Bắc xa xưa, dưới nhang khói chùa Trấn Vũ,
đền Ngọc Sơn, hay là đền Bạch Mã, tôi đã trông thấy người ta lễ thành
khẩn, lễ xuýt xoa và cảm thấy lòng thích thú vì thấy người ta tin tưởng.
Nhưng ở chùa Phổ Quang, trong Bắc Việt Nghĩa Trang ở Sàigòn tết ấy,
thấy đồng bào chen nhau lễ, từ ngoài sân lễ vào chùa, lễ bên phải, lễ bên
trái, lễ từ trên gác chuông lễ xuống, lễ từ dưới pho tượng Địa Tạng lễ lên,