Càng nhớ như vậy thì càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm
Bắc Việt biết bao nhiêu!
Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn
xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những trồi sơn trúc, thạch nương ở
Nghi Tàm có còn chưa phong quanh như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế
nào? Con đường Bách Thảo thơm nức mùi lan tây, hàng đêm, ta vẫn cùng
đi với người vợ bé nhỏ, bồng con ở trên tay đi đến thăm người bạn sống cô
chích ở trong vườn "Bình Bịp" bây giờ ra thế nào? Trên con đường Phú
Thọ, Yên Bái, Lào Cai các đồn điền cam quýt ở hai bên bờ sông Thao vẫn
còn tốt tươi như cũ và các cô gái ngăm ngăm da dâu có còn nắm lấy tay các
du khách mà ví von ca hát không cho về? Ở trước cửa chợ Đồng Xuân, có
còn chăng những hàng nước chè tươi; ở chợ Hôm, những hàng phở gánh
bán cho khách ăn đêm; và ở trên khắp nẻo đường, những người đội thúng,
cầm một chiếc đèn dầu ở tay, lặng lẽ đi trong đêm rao "giò, dầy"?
Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này! Thì ra cái
người nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể chàng trai nhớ gái; bất cứ
thấy ai cũng tưởng ngay đến người thương của mình và đem ra so sánh thì
bao nhiêu người đẹp ở trước mắt đều kém người thương mình hết.
Ai bảo kẻ vắng mặt chịu thiệt thòi? Tôi thấy càng vắng mặt bao nhiêu thì
lại càng thương gấp bội; chỉ có kỉ niệm là đẹp thôi, chớ hiện tại bao giờ
cũng kém phần tươi tốt.
Nhưng thương nhớ cách mấy đi nữa thì có níu quá khứ lại được đâu? Tại
sao không chịu yên vui với hiện tại, tiếc nuối làm gì vô ích? Lịch sử không
đứng yên một chỗ bao giờ.
Cái đã đi là cái đã mất. Đành vậy. Lấy hiện tại so sánh với quá khứ, e bị
chủ quan mà có sự bất công.
Tôi cũng biết có sự bất công, khó tránh. Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc
Việt nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý
nghĩa đi. Có lẽ đó là một sự bất công to lớn, nhưng yêu, bao giờ mà lại