Mới 36 tuổi đã trở thành giáo sư, có thể nói là tuổi trẻ tài cao. Ngoài năng
lực và thành tích cá nhân, Mori Shigehiko cũng nhận được sự hỗ trợ không
nhỏ từ giáo sư danh dự Mori Fumio (là người cha đã mất bảy năm về trước
của ông).
“Năm nay tôi nhất định phải xem được bức tranh ấy.” Mori chỉnh lại cặp
kính cận dày cộp. “Cậu Mitamura cũng chưa nhìn thấy nó phải không?”
Nói thực lòng, giáo sư Mori không mấy thiện cảm với viên bác sĩ ngoại
khoa này.
Mitamura Noriyuki là người cao ráo tráng trẻo, lúc nào cũng tỏ vẻ dịu
dàng khéo léo đúng kiểu các cô gái ưa thích, ngoài ra còn là một bác sĩ ngoại
khoa giỏi sở thích đa dạng, ăn nói đâu ra đây.
Còn Mori thì dáng người thấp bé, lưng hơi gù, nhìn tổng thể là một người
suy dinh dưỡng. Từ hai năm trước, tai bắt đầu có vấn đề nên ông phải dùng
máy trợ thính bên tai phải - loại mini lắp ở ngay gọng kính, ông tự nhận mình
là ‘mọt sách’, ngoài kiến thức chuyên môn thì chỉ hơi có hứng thú với cờ vua.
Đứng bên Mitamura trẻ hơn mình cả chục tuổi, ông lép vế rõ ràng. Ông cũng
không tin tay bác sĩ non choẹt này đủ khả năng lĩnh hội tranh của Fujinuma
Issei nên càng thêm phản cảm.
“Bức tranh đó… Muôn vàn ảo ảnh nhỉ?” Mitamura đưa tay sờ chiếc cằm
gầy hơi vểnh của mình và lẩm bẩm. “Giáo sư này, tôi nhớ rằng cha của anh
đã trông thấy nó rồi, đúng không?”
“Cha tôi từng được chiêm ngưỡng bức tranh ngay khi nó mới hoàn thành
trong phòng làm việc của Fujinuma Issei, một năm trước khi ngài ấy mất, tức
là mùa thu năm 1970. Muôn vàn ảo ảnh là tác phẩm đồ sộ, kích cỡ 1620mm
x 1120mm, chủ đề khác hẳn với các tác phẩm trước đó. Có thể nói nó là một
bức tranh rất khác thường.”
“Nhưng rồi bức tranh ấy đã không được ra mắt công chúng. Không lâu sau
khi hoàn thành Muôn vàn ảo ảnh, Fujinuma Issei đổ bệnh nặng. Từ ngày ngài
tạ thế, theo đúng di nguyện của chủ nhân, bức tranh được lưu giữ trong tư gia
Fujinuma ở Kobe. Mãi về sau anh Kiichi mới đem nó đến Thủy Xa Quán.”
“Đúng vậy. Chúng ta đều muốn tận mắt nhìn thấy nó, dù chỉ một lần cũng
được. Liệu có cơ hội không nhỉ?”