này từ xa. Ai đó lúc ấy đã nói cho ông biết tên người này với giọng thì thào
sợ sệt.
Nam nhân cao ráo ngẩng lên và để đôi mắt lạ lùng màu đen nhánh như hắc
thạch dừng lại một hồi hướng vào Địch Nhân Kiệt. Sau đó, ông ta quay đầu
về phía các thuộc hạ của Địch huyện lệnh. Địch Nhân Kiệt ra hiệu buộc
bốn người rời đi.
Mã Vinh và Kiều Thái ngẩn ra nhìn ông, nhưng vì ông nóng nảy gật đầu,
họ liền vội đi ra cửa, theo sau là Hồng sư gia và Đào Cam.
Hai người lạ ngồi xuống hai chiếc ghế có lưng tựa cao kê dựa vào bức
tường bên của thư phòng, vốn dành cho các vị khách quan trọng. Địch
Nhân Kiệt quỳ gối xuống trước mặt họ, dập trán ba lần xuống sàn.
Người lớn tuổi hơn lấy một chiếc quạt từ trong ống tay áo ra. Vừa chậm rãi
quạt cho mình, ông ta vừa nói bằng giọng đều đều kỳ lạ với người đồng
hành, “Đây là Địch huyện lệnh. Ông ấy đã mất hai tháng để phát giác ra
rằng đất Hán Nguyên này, chính nơi mình trị nhậm, trong chính huyện
thành của mình, là sào huyệt của một âm mưu phản loạn. Có vẻ như ông ta
quên mất việc một quan phụ mẫu có trách nhiệm phải biết chuyện gì đang
diễn ra tại nơi mình trị nhậm.”
“Bẩm đại nhân, thậm chí ông ta còn không biết chuyện gì đang xảy ra trong
chính nha môn của mình nữa kia!” Người còn lại nói. “Ông ta đã thản
nhiên viết trong tấu chương rằng đám loạn đảng có cài người vào trong số
thuộc hạ của mình. Sự tắc trách này đáng tội lớn, thưa đại nhân!”
Người lớn tuổi thở dài ra vẻ cam chịu.
“Mấy người trẻ tuổi này ngay khi được bổ làm quan ở ngoài kinh thành,”
ông ta khô khan nhận xét, “là họ lập tức coi thường mọi chuyện. Ta đoán là
do thiếu sự kiểm soát của quan trên trực tiếp. Hãy nhắc ta về việc triệu tập
thái thú huyện này, ta sẽ phải trao đổi với ông ta về vụ việc mất mặt ấy.”