hơn và cùng lão quay trở lại phòng tiệc. Các ngươi có thể hình dung tâm
trạng của họ Lưu khi y nghe được rằng cái xác đã không chìm xuống đáy
hồ và vụ giết người đã bị phát giác.
“Những điều còn tồi tệ hơn tiếp tục đến với Lưu Phi Ba. Sáng hôm sau y
hay tin ái nữ yêu dấu Nguyệt Nga, đã chết trên giường tân hôn. Y mất đi cả
hai nữ nhân chiếm lĩnh cuộc sống tình cảm của mình. Sự căm thù điên dại
của y không nhắm vào Giang cống sĩ, mà nhắm vào gia phụ cậu ta. Đam
mê cấm kỵ của chính Lưu khiến y phỏng đoán rằng cả vị học sĩ cũng thèm
muốn Nguyệt Nga. Ít nhất theo những gì ta có thể thấy, đây là lời giải thích
duy nhất cho lời buộc tội kỳ quái của y với Giang học sĩ. Cái chết của
Nguyệt Nga là một cú sốc khủng khiếp với họ Lưu. Khi thi thể của thiếu nữ
biến mất khó hiểu, Lưu Phi Ba cuối cùng cũng mất hết tự chủ. Từ lúc đó trở
đi, y giống như một kẻ bị ma nhập, gần như chẳng còn có trách nhiệm với
những hành động của mình nữa.
“Tay chân Khang Trọng của y đã khai trong lời cung rằng họ Lưu lập tức
lệnh cho tất cả thủ hạ đi tìm thi thể ái nữ. Sau đó y hành xử lạ lùng tới mức
họ Vương, họ Vạn và Khang Trọng bắt đầu thấy lo về đầu đảng của chúng.
Chúng rất phản đối chuyện họ Lưu bắt cóc Hàn Đạt Nhậm, như vậy quá
mạo hiểm. Và chỉ riêng việc giết nàng vũ nữ cũng đã là đủ để cảnh cáo họ
Hàn không tiết lộ ra những gì nữ tử đã nói với gã. Nhưng Lưu Phi Ba
không nghe, y nhất thiết phải khiến tình địch của mình thống khổ. Vậy là
họ Hàn bị đám tay chân của Lưu Phi Ba tống vào trong một cỗ kiệu kín,
khiêng đi vòng quanh hoa viên Lưu phủ, rồi sau đó đưa gã vào mật thất
ngay dưới Hàn gia! Hàn Đạt Nhậm đã mô tả chính xác về căn phòng lục
giác và gã nhớ bị đưa lên mười bậc cấp dẫn từ mật đạo vào mật thất. Nam
nhân đeo mặt nạ trắng chính là Lưu Phi Ba, kẻ đã không bỏ qua cơ hội này
để sỉ nhục và hành hạ người y nghĩ đã khiến Hạnh Hoa phản bội mình.
“Giờ chúng ta đang tới gần đoạn kết của câu chuyện hắc ám này. Thi thể
Nguyệt Nga không được tìm thấy, họ Lưu bị thúc bách phải có tiền và y