CHƯƠNG 1. VŨ KHÍ GÂY ẢNH HƯỞNG
Nên coi mọi thứ càng đơn giản càng tốt,
Nhưng đừng đơn giản hơn nữa.
– ALBERT EINSTEIN
Một hôm, tôi nhận được điện thoại từ một người bạn là chủ cửa hàng
đá quý Ấn Độ ở Arizona. Cô bị sốc vì một câu chuyện lạ lùng và cô cho
rằng tôi, một nhà tâm lý học, có thể giải thích được. Câu chuyện về lô hàng
đá quý màu ngọc lam của cô. Lúc ấy là thời kỳ cao điểm của mùa du lịch,
cửa hàng rất đông khách, tuy nhiên, những viên đá quý ngọc lam có chất
lượng và vẻ đẹp rất xứng với giá của nó vẫn chưa bán hết. Sau đó, cô bạn
của tôi đã dùng một vài thủ thuật bán hàng nhằm làm chuyển biến tình hình.
Cô cố gắng thu hút sự chú ý của khách hàng bằng cách chuyển chúng tới
trung tâm khu vực trưng bày, nhưng không thành công. Thậm chí cô còn
bảo nhân viên bán hàng lăng xê chúng, nhưng một lần nữa, những nỗ lực đó
không mang lại kết quả như ý.
Cuối cùng, đêm trước khi bắt đầu chuyến mua sắm ngoài thành phố,
trong tâm trạng bực tức, cô nguệch ngoạc mấy dòng chữ để lại cho người
phụ trách bán hàng: "Tất cả mọi thứ trong hộp trưng bày này, giá x 1/2". Cô
chỉ muốn tống khứ chúng, ngay cả khi phải chịu lỗ. Vài ngày sau, khi quay
trở lại, cô không ngạc nhiên khi thấy tất cả đã được bán hết. Nhưng cô thấy
sốc khi phát hiện ra các nhân viên đã đọc nhầm số "1/2" thành "2", vậy là
tất cả lô hàng đều được bán với giá gấp đôi giá ban đầu!
Khi ấy, cô gọi cho tôi. Tôi biết điều gì đã xảy ra nhưng tôi nói rằng,
nếu muốn tôi giải thích rõ ràng thì cô phải nghe câu chuyện của tôi. Thực ra
đó không phải là câu chuyện của tôi, đó là câu chuyện về những con gà mái
tây, và nó thuộc về một ngành khoa học khá mới mẻ của tập tính học –
nghiên cứu về động vật trong môi trường sống tự nhiên. Chúng là những