Nguyễn Phúc Chu tuần du phố hội thấy nơi đây ghe thuyền nhóm họp,
người ngoại quốc đến buôn bán đông mới đặt tên cầu là “Lai viễn kiều”.
Bạch Liên cười :
- Chà, Việt bữa nay trổ tài sử học, nói nghe như một đại sử gia vậy!
Bị Bạch Liên đùa, Việt đỏ tai ngồi im. Khôi tỏ vẻ sốt ruột, bật hai ngón tay
búng kêu một tiếng gọn. Cái búng tay phản đối của Khôi liền bị Bạch Liên
“hóa giải” bằng một cái nheo mũi.
Việt liền cười, tiếp :
- Cũng tại Hội An là một thành phố lâu đời, mà bọn này lại được xem nhiều
di tích cổ xưa, nên nhiều chỗ chẳng hiểu ất giáp gì. Muốn hỏi chú Triều
Dương thì cóc thằng nào dám mở miệng. Bị chú chê ngay từ đầu là: “Tụi
bây chẳng thằng nào đáng làm dân Việt cả. Dốt quá!” Sau này cuộc “đi
dạo” ở Hội an kết thúc rồi, Việt mới tìm tài liệu đọc thêm đấy chứ. Phần
chú Triều Dương, chú rất thạo địa danh, địa lý những nơi chú đến. Tuy
nhiên chú có vẻ như để ý đến miền có nhiều mỏ hơn. Có lần vui chuyện,
chú đã tiết lộ rằng từ Quảng Nam trở vô Tam Kỳ là nơi có nhiều mỏ nhất ở
Trung Việt, và thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã khai thác được cả mỏ
đồng, mỏ vàng...
Chú cũng căn dặn Khôi Việt khi thăm chơi Hội An phải hết sức thận trọng,
vì ở đây ngoài bờ biển có nhiều vách núi hiểm trở, ghềnh đá cheo leo, còn
bên trong nội địa không thiếu gì hầm hố, vực sâu.
Bởi vậy nhiều lúc đi thăm thú các nơi, Khôi Việt thường được nghe nói đến
những tai nạn bất ngờ, những vụ mất tích dị thường, mà người kể, không
chắc gì đã mục kích, nhưng chỉ nghe truyền tai nhau rồi thêu dệt thêm lên.
Chú Triều Dương hầu như không bỏ sót một chi tiết nào khi nghe những
câu chuyện ấy song lại tỏ vẻ không mấy quan tâm. Chú chỉ nhân việc đó
nhắc chừng Khôi Việt phải cẩn trọng khi du ngoạn.
Một sáng chúa nhật - ngày thứ ba của Khôi Việt ở Hội An - sau khi dự lễ ở
thánh đường ra, chú Triều Dương cho xe chạy vòng ra mé bờ biển ngắm
cảnh.
Trời hôm ấy thật trong. Nền trời xanh lơ không một gợn mây. Mặt biển
mênh mông gợn sóng. Xa xa một vài hòn đảo nổi bật giữa làn sóng biếc