nhớ ra tên thầy giáo là Phong.
Chú Triều Dương gật đầu :
- Ừ phải... Thầy Phong! Có lẽ thầy giáo này nặng máu giang-hồ vặt, hoặc
mãi làm thi sĩ, nên đã lơ đểnh xảy chân rơi vào một hang hốc nào đó. Hoặc
giả thầy ta rớt xuống bể rồi cũng nên. Lại còn chuyện nầy nữa, tụi bay đã
nghe ai nói về tiếng chuông kêu dưới đáy biển chưa?
Khôi gật đầu :
- Thưa chú, truyện đó hoang đường quá. Cháu nhớ hồi nhỏ, có đọc một
truyện cổ tích tương tự như thế.
- Phải, những truyện cổ tích thường mang nhiều tính chất hoang đường.
Nhưng Hội An là một thành phố đã có trước đây hàng bao thế kỷ. Ai biết
được vị trí của thị xã này xưa kia nằm ở chỗ nào? Có người cho rằng hồi
các thương-nhân ngoại-quốc mới đến đây, thì mỏm đất chúng ta hiện đang
đứng, còn nối liền với hòn đảo ngoài kia. Các cửa hiệu buôn được dựng lên
ở sát mé biển, thuận tiện cho các tàu buôn cập bến. Theo chân các khách
thương ngoại quốc, các nhà truyền giáo cũng tới đây giảng đạo. Lẽ dĩ nhiên
các vị này không bỏ lỡ cơ hội cố gắng xây cất được một ngôi thánh đường
nhỏ. Phía dân ta, cũng có khai thác một hầm mỏ theo lối thủ công, nên phố
xá mới tân lập mà đã phồn thịnh sầm uất.
Bỗng một biến cố ghê gớm xảy ra. Chẳng biết có phải vì bão biển đã dâng
sóng cuốn trôi eo đất ấy lẫn nhà cửa bên trên, hay một cuộc động đất đã
làm sụp đổ cả thị xã này xuống lòng đáy biển. Những thế kỷ sau, phố Hội
lại được xây dựng lại. Đạo Thiên Chúa bị Triều đình ta cấm cách. Các
thương
nhân Âu châu gặp nhiều khó khăn, nên ít có người tới đây lập nghiệp, trừ
người Tàu và người Nhật. Những người này bén rễ ở đây. Người Tàu cất
chùa, lập hội; người Nhật xây cả cầu. Họ lấy vợ người bản xứ nên dân phố
Hội sau này đa số là người minh hương... Ủa, chú nói dài dòng từ nãy đến
giờ, quên mất câu truyện chuông kêu dưới đáy biển! Các vị già lão, cả
quyết rằng những buổi đẹp trời, gió yên, biển lặng, thường nghe tiếng
chuông - tiếng chuông của ngôi Thánh đường xưa - âm vang dưới sóng, ở
khoảng cách giữa đất liền với hòn đảo ngoài kia.