muốn bấu víu vào cái quan niệm ấy để cứu rỗi người chết. Nhưng cháu cho
rằng tất cả đều không có thật. Thiên đường và thế giới bên kia chỉ là sự hư
cấu của con người, thế thôi.”
Ông tôi cầm điều khiển trên bàn lên và tắt ti vi.
“Trong thế giới của chúng ta, chết là một điều tàn nhẫn, Sakutaro
ạ.” Ông nói với một giọng thân tình. “Không có gì sau cái chết, và cũng
chẳng có tái sinh, cái chết chỉ đơn giản là hư vô… Quá tàn nhẫn phải
không?”
“Nhưng sự thực là thế, chúng ta đâu còn lựa chọn khác?”
“Ông cho rằng đó chỉ là một cách nhìn.”
“Khi đọc được rằng những tín đồ Cơ Đốc giáo coi cái chết là đẹp đẽ
và không có gì phải sợ, cháu thực sự phát điên. Thật ngu ngốc và ngạo
mạn. Cái chết không đẹp. Nó chỉ kinh khủng và trống rỗng. Ta chẳng thể
làm gì với nó cả.”
Ông tôi im lặng nhìn lên trần nhà một lúc. Cuối cùng ông nói, mắt
vẫn ngước lên trên.
“Người ta nói rằng Khổng Tử không bàn về Trời, nhưng khi một
môn đệ của ngài chết, ngài đã khóc váng lên mà rằng, ‘Trời đã hại ta!’ Và
Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải, người thuyết giảng về cõi bất sinh bất diệt,
cũng đã ứa nước mắt trước cái chết của một đệ tử.” Ông quay sang tôi và
hỏi, “Tại sao mất một người thân yêu lại đau đớn đến vậy?”
Thấy tôi im lặng, ông tiếp tục.
“Ông thì cho rằng lý do nằm ở chỗ cháu đã yêu người đó. Không
phải bản thân sự chia lìa hay vắng bóng họ làm cháu thấy buồn. Mà bởi
những ý nghĩ về họ khiến sự chia lìa trở nên đau đớn, và những hình bóng
cũ vẫn cứ bám theo. Vả lại, sự thương tiếc chẳng bao giờ cạn kiệt. Vì thế,
đau buồn hay thương tiếc chẳng qua chỉ là một hình thức biểu lộ của thứ
tình cảm yêu thương lớn lao mà cháu dành cho họ. Chẳng vậy sao?”
“Cháu không biết nữa.”
“Cứ nghĩ sẽ thế nào nếu một ai đó chết đi. Nếu một người cháu
không hề quan tâm chết đi, hẳn là cháu sẽ chẳng nghĩ ngợi gì. Như thế
không tính là một nỗi mất mát. Chỉ khi cháu không muốn ai đó chết đi lúc