“Ý anh là con chuột túi wallaby?” mẹ Aki cắt ngang.
“Không, wallaby ở đây với nghĩa là giấc mơ, tức là tổ tiên theo thần
thoại của họ. Vị tổ tiên này tạo ra loài chuột túi wallaby và bộ tộc đó. Vậy
nên họ và loài chuột túi wallaby đều là con cháu của thủy tổ wallaby.”
“Tức là bộ tộc wallaby và loài chuột túi wallaby là anh em?”
“Đúng. Và đấy là lý do bộ tộc wallaby không giết và ăn thịt wallaby
vì điều đó đồng nghĩa với việc giết và ăn thịt anh em của mình.”
“Thật thú vị,” cha Aki nói, hoàn toàn bị thuyết phục. “Vậy ra chủ
nghĩa Tô tem là như thế.”
“Ngoài ra còn có giấc mơ của mỗi cá nhân,” người hướng dẫn tiếp
tục.
“Đó là gì?” cha Aki hỏi.
“Khi một người nào đó chào đời thì thứ mà mẹ anh ta nhìn thấy hay
con vật hoặc cây cối mà mẹ anh ta bắt gặp trong mơ vào ngày hôm đó sẽ có
chung linh hồn với anh ta. Những giấc mơ đó không bao giờ được nói ra.
Đó là bí mật của từng cá nhân và được coi là đối tượng của tín ngưỡng.”
“Như vậy mỗi bộ tộc có một giấc mơ và mỗi người lại có một giấc
mơ của riêng mình?”
“Đúng là như vậy.”
Thật khó để phân biệt mọi thứ. Cảnh vật mất đi độ sâu, hay đúng
hơn, mất tính xa gần của chúng. Những thứ đáng ra phải ở xa lại trông rất
gần trong khi những thứ đúng ra phải ở gần thì lại xa đến nỗi tưởng như
không bao giờ chạm đến được.
“Người ta nói thổ dân chôn cất người chết hai lần,” người hướng
dẫn tiếp tục. “Đầu tiên họ được chôn dưới đất như bình thường. Đây là lần
chôn cất thứ nhất. Sau khoảng hai hay ba tháng, người ta đào lên và thu
nhặt xương cốt. Họ sắp xếp xương trên một mảnh vỏ cây theo đúng hình
dạng lúc còn sống của người chết, từ đầu đến chân. Sau đó họ đặt tất cả vào
một khúc cây rỗng, đây là lần chôn cất thứ hai.”
“Tại sao họ lại làm thế?” mẹ Aki hỏi.
“Người ta tin rằng lần chôn cất đầu tiên dành cho da thịt và lần thứ
hai dành cho xương cốt.”