6
Sau khi bà nội mất, ông nội chuyển đến sống ở nhà tôi một thời gian. Ở
trên tôi vừa kể rồi, ông bảo ngôi nhà không thích hợp cho người già, nên đã
dọn ra chung cư sống một mình. Ông nội xuất thân trong gia đình làm nghề
nông, đến đời cụ tôi hình như vẫn còn là địa chủ tương đối lớn trong vùng.
Nhưng vì cải cách ruộng đất, gia đình lụn bại, ông tôi phải lặn lội
lên Tokyo thử vận may trong việc buôn bán. Nhân lúc chiến tranh hỗn loạn,
ông cũng kiếm được khá nhiều tiền, rồi trở về quê, năm ba mươi tuổi thì
mở công ty chế biến thực phẩm. Rồi ông cưới bà nội và sinh ra cha tôi.
Theo lời mẹ kể, công ty của ông nội nắm được thời cơ kinh tế phát triển
mạnh mẽ nhất từ những năm 1970, 1980 nên làm ăn rất khấm khá, nhờ thế
mà gia đình lúc đó sống rất dư dả. Không ngờ, khi cha tôi vừa tốt nghiệp
trung học, ông nội hào phóng nhượng lại công ty mình vất vả gây dựng nên
cho cấp dưới rồi tranh cử vào nghị viện. Suốt mười mấy năm sau đó, ông
liên tục đắc cử làm nghị sĩ, nhưng phần lớn tài sản của ông đều đã biến
thành tiền vận động tranh cử. Tới khi bà nội tôi qua đời, ngoài căn nhà ra
thì chẳng còn tài sản gì đáng kể nữa. Không lâu sau, ông cũng rút lui khỏi
chính trường và giờ sống một mình trong thanh nhàn.
Từ khi lên cấp hai, thi thoảng tôi lại đến thăm ông nội với ý nghĩ coi
như đang làm một việc từ thiện, khi thì kể cho ông chuyện ở trường, khi thì
vừa nhâm nhi bia vừa xem Sumo trên ti vi với ông. Đôi khi, ông cũng kể
chuyện thời trẻ của mình. Nhờ thế tôi mới biết, hồi mười bảy mười tám ông
cũng từng yêu một người con gái nhưng vì hoàn cảnh mà hai người đã
không thể ở bên nhau…
“Phổi cô ấy có vấn đề,” ông nói rồi nâng lý vang Bordeaux màu đỏ
lên nhấp một chút. “Bây giờ thì có thuốc chữa bệnh lao rồi, nhưng thời đó
chỉ có mỗi cách là ăn uống đầy đủ và tĩnh dưỡng ở nơi nào đó không khí
sạch sẽ, trong lành thôi. Phụ nữ thời ấy không khỏe mạnh thì không chịu
nổi cuộc sống hôn nhân đâu. Hồi đó làm gì có đồ điện. Nấu nướng hay giặt