Tên bài thơ đó là “Cát sinh”. Phía dưới phần Hán văn có đoạn dịch
thơ tiếng Nhật, tôi liền nhìn vào đó.
“Cháu có hiểu bài thơ muốn nói gì không?”
“Đại khái là ‘khi chết đi muốn được chôn cùng một mộ’ đúng
không ạ?”
Ông lặng lẽ gật đầu, rồi đọc lại đoạn thơ cuối: “Đông chi dạ, hạ chi
nhật. Bách niên chi hậu, quy vu kỳ thất.”
“Đoạn thơ có nghĩa là, qua bao ngày hạ lê thê và những đêm đông
đằng đẵng, em cứ an nghỉ nơi đây. Trăm năm nữa qua đi, rồi ta cũng sẽ tới
đây nằm cạnh em. Hãy bình yên chờ ngày đó tới.”
“Đằng nào thì người yêu cũng chết rồi.”
“Cho dù có tiến bộ bao nhiêu đi nữa, cảm xúc của con người vẫn
vậy, sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta hầu như không thay đổi. Bài thơ này
được viết cách đây hơn 2000 năm, thậm chí có khi còn lâu hơn thế. Nó đã
tồn tại từ trước cả khi người ta sáng tạo ra thể thơ Tứ tuyệt và Đường luật
mà cháu đang học ở trường hiện giờ. Vậy mà, dường như ngày nay chúng
ta vẫn có thể thấu hiểu được cảm xúc của những người thời đó. Ông nghĩ
chẳng cần phải được giáo dục tử tế hay được học bổng mới có thể hiểu
được cảm xúc ấy đâu.”
Hộp gỗ nhỏ nằm trên mặt bàn. Người nào không biết chắc dễ nhầm
tưởng bên trong chứa cuống rốn hay huy chương gì đó. Cảm giác thật kỳ
quặc.
“Cháu giữ cái hộp này cho ông.” Đột nhiên ông nội buông ra một
câu. “Khi ông chết, cháu hãy trộn tro cốt của ông với của bà ấy mà rải.”
“Khoan đã ông ơi!” tôi nói.
“Lấy ra một nhúm tro của ông bằng với nhúm tro trong hộp này và
trộn lại với nhau. Rồi cứ rải ở bất cứ nơi nào cháu thích.” Ông lặp lại lời
yêu cầu như thể đang lập di chúc vậy.
Giờ tôi mới nhận ra ý đồ của ông nội. Nếu chỉ muốn lấy trộm tro
cốt, một mình ông cũng làm được. Mất công lôi thêm đứa cháu trai vào làm
kẻ đồng lõa, hóa ra tất cả đều có mục đích cả.