2
Khuôn mặt Aki gầy đi rõ rệt. Em không ăn nổi thứ gì vì lúc nào cũng thấy
buồn nôn. Cả ngày chẳng có lúc nào thoải mái, đừng nói là nhìn thấy thức
ăn, thậm chí ngửi mùi cơm đã không sao chịu nổi. Những lúc nghiêm
trọng, chỉ cần nghe thấy tiếng xe đẩy thức ăn cũng đủ khiến em không thể
chịu được. Bác sĩ đã kê cho Aki thuốc chống nôn, nhưng gần như không
hiệu quả. Để trị liệu thì phải uống những thứ thuốc có tác dụng kích thích
tương đối mạnh, điều này thì có thể tưởng tượng được, nhưng rất khó liên
hệ với bệnh “thiếu máu”. Vậy rốt cuộc là đang trị bệnh gì đây?
Tôi đã tra từ “aplastic anemia” trong từ điển y học. Nó được xác
định nghĩa là một chứng bệnh thiếu máu do tủy xương không thể tạo ra các
tế bào máu. Đúng như bác sĩ giải thích cho Aki. Phương pháp chữa trị là
truyền máu và kích thích tố steroid, đột nhiên ánh mắt tôi dừng lại ở trang
tiếp theo. Máu trắng. Tôi nhớ lại tấm bưu thiếp yêu cầu bài hát mình đã gửi
hồi cấp hai. Liệu có phải trò đùa vô tâm đó của tôi giờ đã biến thành hiện
thực và rơi xuống đầu Aki? Tôi dẹp ý nghĩ phi lý ấy ra khỏi đầu và đọc
phần miêu tả căn bệnh trong từ điển y học. Nhưng nỗi ân hận rằng điều ấy
sẽ ứng nghiệm cứ lẩn khuất mãi trong lòng không sao tan đi được.
Giống như những gì Aki lo sợ, tóc em bắt đầu rụng nhiều. Vì mái tóc em
vốn dài, những chỗ tóc bị rụng rất dễ nhìn thấy. Hơn nữa, cùng với việc trị
liệu kéo dài, tinh thần em cũng ngày càng thêm sa sút.
“Thuốc chẳng có tác dụng gì cả, lo quá đi mất,” em nói, “tác dụng
phụ nhiều như thế mà chẳng thấy đỡ hơn chút nào, vậy tức là chẳng có
thuốc gì trị dứt bệnh của mình được.”
“Bây giờ bệnh gì cũng chữa được cả,” tôi nói, thầm nghĩ về những
gì đọc được trong từ điển y học. “Đặc biệt là bệnh của trẻ con.”
“Mười bảy tuổi mà còn là trẻ con à?”