“Vậy em đi nhé.”
“Ừ em đi đi.”
❃ ❖ ❊
Ở cái làng nhỏ ven bờ biển này, gần một phần tư dân số là người cao tuổi
trên 65, vậy mà ngoài Hội Phúc lợi Xã hội duy nhất chỉ có một doanh
nghiệp tư nhân hành nghề dưỡng lão. Mà tất cả nhân viên đăng ký làm việc
ở Hội Phúc lợi Xã hội đó chưa đến mười lăm người. Người già dùng dịch
vụ chăm sóc với nhân viên phục vụ đa số từ xưa đã có quan hệ quen biết ít
nhiều, hoặc như là bà con, hàng xóm, cho nên các thân chủ hay gọi điện
thoại đến Hội chỉ định luôn mình muốn được ai phục vụ. Dĩ nhiên ưu tiên
nhất là làm sao cho thân chủ thỏa mãn, nhưng không phải vì thế mà lúc nào
chủ nhiệm Matsuda cũng chiều ý họ đảo lộn lịch làm việc của nhân viên.
Nếu làm vậy thì ngoài Asako Chị, các nhân viên khác đều ăn không ngồi
rồi cả.
Năm hết chiến tranh, Asako Chị mất bố khi còn nằm trong bụng mẹ, bị
gửi cho họ hàng bên nội bên ngoại nơi này đến nơi khác nuôi không dưới
hai chục nhà, như là đứa con chung của xóm làng. Cho nên người già mà
Asako Chị chăm sóc bây giờ toàn là những người như cô cậu ruột hoặc chị
em ruột xưa đã từng đùm bọc Asako Chị mồ côi. Có nhiều người già ngại
không nói được với con dâu, không thích hoặc không dám nhờ con dâu
nhưng với Asako Chị thì họ mở lòng nói hết. Dù thế Asako Chị cũng không
xía miệng xen vào chuyện gia đình người khác. Cô chỉ muốn trả ơn, dù chỉ
một chút, với những người đã dắt tay mình hồi nhỏ, đã cõng, đã cho mình
cưỡi lên vai chơi. Asako Chị làm việc chỉ một lòng vì vậy. Chỉ cần thấy
khóe mắt và khóe miệng các cụ già nheo nhè nhẹ thì dù không nói gì đi
nữa, người nhà cũng biết là các cụ vui lòng. Ngoài Asako Chị không ai làm
được như vậy, nên Asako Chị bao giờ cũng được ưa thích hơn cả.