ậm ừ, tai nghe hai đứa nhưng tay vẫn không ngừng nghỉ. Một lát sau ông
ngừng tay, rít một hơi thuốc lá rồi bảo: “Ờ thì nó giống như hiến binh vậy,”
nói rồi ông cau đôi lông mày bạc trắng lòa xòa như bức mành tre trước mắt.
Chỉ cần nói bấy nhiêu cũng đủ. Thời chiến tranh, chuyện bọn hiến binh
hung dữ đuổi bắt các công nhân lao động ở mỏ than Nagasaki trốn đến
vùng đất nhỏ bé ven biển này vẫn còn in khắc rõ rệt trong tâm trí của người
làng.
Vì thế mà Setsuko và Asako Chị đã không gặng hỏi thêm ông nội Cho
điều mình thật sự muốn biết. Thật ra không phải chỉ hai đứa, đứa trẻ nào đã
từng nghe cô Naoko hát bài Ma vương cũng đều có thắc mắc như thế
thoáng qua trong đầu.
Nếu bố chúng mình còn sống thì bố mình có ôm chặt mình vào lòng
giống ông bố trong bài hát ấy không nhỉ... Dĩ nhiên, nhất định có chứ.
Nhưng không chỉ thế thôi đâu. Còn hơn ông bố trong bài hát ấy, bố mình
còn đánh nhau với Ma vương để bảo vệ mạng sống của chúng mình nữa...
Vì thế... mà bố chết phải không? Bố bị Ma vương bắt đi thay mình phải
không? Nhưng, nhưng mà bố mình đâu có yếu như vậy! Bố mình – một
người lính anh hùng chết vì nước, nếu mà còn sống thì chắc chắn sẽ khác
với ông bố trong bài hát ấy, sẽ diệt được Ma vương mà.
Setsuko và Asako Chị đã không dám hỏi ông nội Cho như thế. Là vì hai
đứa cháu gái biết mỗi lần nói đến người bố đã khuất, ông nội sẽ thở nặng
nhọc, rít ống thuốc lá, tròng mắt nâu ươn ướt dưới mành lông mày bạc
trắng. Điều này Asako Chị cũng hiểu. Bởi Asako Chị bị gửi đi nuôi hết nhà
này sang nhà nọ, đến ở nhà nào cũng thấy bố mẹ già không nói năng gì
ngồi suốt mấy tiếng trước bàn thờ đặt bài vị của con trai, và những người
vợ nước mắt giàn giụa nhìn trân trân di ảnh người chồng quá cố.
Nhưng giả sử hai đứa hỏi thêm một câu nữa thì ông nội khuây khỏa
ngay. Là tay “đánh cá giỏi nhất” nên nhất định ông nội Cho, chứ không ai
khác, sẽ trả lời được câu hỏi đó. Nghe cô Naoko hát, bọn trẻ như thấy ánh
nắng mặt trời đang lượn chơi trên vịnh lặng gió, với những bọt nước bắn