tuôn ra một giọng hát đỏ thẫm, cất lên tiếng ca phi phàm chưa một ai từng
nghe. Một khi ai đã nghe thấy rồi ắt hẳn bị hớp hồn, không có lần thứ hai
quay trở lại đất liền nữa.
Nghĩ cho cùng, chuyện có ai thấy bóng ma công chúa là điều vô lý.
Nhưng chẳng một ai nghi ngờ tính xác thực của tin đồn này. Là vì cái người
đã bảo chính mắt mình nhìn thấy công chúa lại là cụ Toku, một ông dân
chài bị điếc nặng. Dòng họ nhà cụ Toku mỗi đời đều sinh ra đứa con có vấn
đề thính giác. Chung quy tại vì oan hồn của quá khứ. Người ta bảo kẻ vung
gươm làm tuyệt mạng công chúa chính là tổ tiên cụ Toku.
“Mày cũng rành quá đi chứ,” Chozaburo 13 tuổi sáng mắt nói. “Cụ Toku
bảo nàng là mỹ nhân tuyệt sắc.”
“Thôi đi mày,” Tsuru Anh vặn lại Chozaburo. “Cụ Toku dạo này không
những tai không nghe mà mắt cũng không còn thấy đường nữa kìa.”
Nhưng bởi ghen tỵ với cụ Toku quá hay sao mà tai của Chozaburo đột
nhiên cũng điếc như cụ, không nghe thấy lời của Tsuru Anh nữa. Từ sau
khi được anh cả của Tsuru Anh dẫn đến tửu lầu ở phố kế bên, trong đầu
Chozaburo ba phần là chuyện đánh cá, còn lại hết bảy phần là chuyện đàn
bà. Nói cho cùng, sự quan tâm đến đàn bà chẳng qua là để làm sao cho
ngọn lao móc nóng rừng rực của mình đâm vào cái tanh tươi như cá của
đàn bà ấy mà. Do đó có thể nói Chozaburo không hề đánh mất một chút
nào tâm huyết và linh hồn của người thợ đánh cá.
“Nghe bảo nàng da trắng trong veo,” Chozaburo nói, mắt như đang bơi
lội giữa làn sóng mộng mị.
“Vì khi bị cắt cổ, tất cả máu trong người chảy ra hết cả mà. Dĩ nhiên rồi
gì nữa,” Tsuru Anh thờ ơ nói.
Nhưng cơn mãn triều xúc cảm của Chozaburo không hề rút đi. Không
cản được sự bất chấp của Chozaburo, khuya đêm ấy hai đứa leo lên chiếc
tàu nhỏ của bố Tsuru Anh. Đó là một đêm mùa đông lạnh lẽo. Tay tê cóng,
vừa gỡ dây tàu Tsuru Anh vừa lầm bầm: “Tự tiện thế này bố tao biết thì bị
giết quá. Kiểu này chắc bị quấn neo dìm xuống biển chết luôn.”